Nhiều ông lớn mở rộng quy mô, bất động sản bán lẻ sáng dần

Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang dần hồi phục với nguồn cung dồi dào từ các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
2-8792.jpg
Trung tâm thương mại Lotte Mall Hà Nội ngày đầu mở cửa

Nhiều đại gia mảng bán lẻ đang mở rộng địa điểm kinh doanh. Đây là những tín hiệu tích cực cho bất động sản bán lẻ trong thời gian tới.

TĂNG THÊM NGUỒN CUNG VÀO DỊP CUỐI NĂM

Theo báo cáo của Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2023, mặt bằng thương mại, nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn tiếp tục hạn chế, cả nước không có dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn nào khai trương và đi vào hoạt động. Nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các toà nhà hỗn hợp tuy nhiên số lượng không nhiều.

Nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 so với nửa cuối năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm.

ban-le.png
Thị trường bất động sản bán lẻ sớm phục hồi. Ảnh minh hoạ

Công suất cho thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại vẫn cơ bản ổn định. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, công suất cho thuê đạt mức trên 95% tại khu vực trung tâm và trên 80% đối với khu vực ngoài trung tâm. Đối với phần mặt bằng thương mại tại khối đế các toà nhà hỗn hợp, công suất cho thuê bình quân toàn thị trường đạt khoảng 70%, giảm nhẹ so với kỳ trước và giảm nhiều hơn ở các tòa nhà nằm ở khu vực các quận, huyện ngoài trung tâm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm. Do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.

Trái với tình trạng khó khăn của phân khúc nhà phố thương mại riêng lẻ, hàng loạt cửa hàng nối đuôi nhau đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, do thị trường khó khăn. Mặt bằng bán lẻ ở khối đế chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn vẫn diễn biến sôi động, công suất cho thuê đạt trên 85% với giá thuê tiếp tục tăng tại khu vực trung tâm.

Thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng tầng trệt trong quý 2/2023 tăng khoảng 2% so với quý trước. Tại TP.HCM, giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm tương đương quý trước nhưng đã tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 20 thương hiệu mở mới và mở rộng để tăng hiện diện trong khi nguồn cung mới khan hiếm, tỷ lệ trống trung bình tại khu vực này chỉ khoảng 5%.

Đặc biệt, nửa cuối năm 2023, nguồn cung dồi dào từ các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ đáp ứng nhu cầu mở mới, mở rộng địa điểm kinh doanh của các “ông lớn” bán lẻ. Hứa hẹn tương lai tích cực cho bất động sản bán lẻ trong trung tâm thương mại tại các thành phố lớn trong thời gian tới.

Tại TP.HCM, dự kiến có 3 dự án ở khu vực ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động với diện tích cho thuê khoảng 66.000 m2. Đáng chú ý, nguồn cung phân khúc bán lẻ đến năm 2026 sẽ tăng mạnh, dự kiến đạt 201.000 m2 sàn từ 13 dự án đi vào hoạt động.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Lotte Mall West Lake Hanoi vừa đóng góp 82.550 m2 vào tổng nguồn cung diện tích bán lẻ toàn thành phố. Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, sẽ có hai trung tâm thương mại và bốn dự án khối đế thương mại với tổng diện tích hơn 47.000 m2.

NHIỀU “ÔNG LỚN” MỞ RỘNG SÂN CHƠI

Với một lượng nguồn cung lớn được đưa vào thị trường và phát triển của ngành bán lẻ, thì đây sẽ là cơ hội "hiếm" để phân khúc bất động sản này bứt phá. Thực tế, ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến dấu hiệu phục hồi rõ nét với cuộc đua mở rộng thị phần sau đại dịch Covid-19 của các “ông lớn” nội địa và quốc tế. Đơn cử, MUJI khai trương cửa hàng thứ 5 tại TP.HCM trong quý 1 và thứ 6 tại Hà Nội trong quý 2, đều có quy mô 2.000 m2.

anh-man-hinh-2023-07-29-luc-103247-3373.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo nguồn tin của Thương gia, UNIQLO cũng tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thông qua việc khai trương cửa hàng thứ 19 với quy mô 1200 m2 tại Hà Nội. Đây là cửa hàng mới thứ 4 trong nửa đầu năm 2023 của thương hiệu thời trang bán lẻ đến từ Nhật Bản này...

Riêng WinCommerce cũng đã mở thêm 152 cửa hàng Winmart+ và 2 siêu thị Winmart trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm toàn quốc cho cả siêu thị và siêu thị mini. Qua đó, củng cố vị thế là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất về số lượng điểm bán.

Đặc biệt, mô hình tích hợp Win mới với có hơn 30 cửa hàng WinMart+ được chuyển đổi sang mô hình WIN cho kết quả ban đầu đáng khích lệ. Theo đó, doanh thu mỗi m2 tăng 20% và biên EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi) tăng thêm 0,6% so với trước khi chuyển đổi.

banle.jpg
Nhiều ông lớn mở rộng thị trường. Ảnh minh hoạ

Mới đây, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước với khoảng 600 cửa hàng.

Ngoài ra, một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, 100 AEON MaxValu Supermarket tại Hà Nội vào năm 2025.

Trong khi đó, WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng, còn Saigon Coop đặt mục tiêu số 1 về mảng bán lẻ siêu thị. Tuy nhiên, các nhãn hàng đang ngày càng có yêu cầu khắt khe trong việc lựa chọn, để đáp ứng lượng lớn nhu cầu này, điều thị trường Việt Nam cần không chỉ là đơn thuần là lượng mà còn là chất của mặt bằng bán lẻ.

CÒN BẬT HƠN NỮA

Hiện nay, ngành bán lẻ liên tục được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiềm năng, duy trì tốc tốc độ tăng trưởng hằng năm ở hai chữ số trong hàng thập kỷ. Quy mô ngành bán lẻ Việt Nam được Bộ Công thương dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.

anh-man-hinh-2023-07-29-luc-103159-6504.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6%.

Theo báo cáo tuần của Hội môi giới bất động sản Việt nam (VARs), đây là cơ hội cho lĩnh vực bất động sản bán lẻ, đặc biệt là nhóm các hàng hóa thiết yếu như ngành hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dược phẩm, thời trang bình dân... Các nhãn hàng trong lĩnh vực này cũng đã và đang thực hiện kế hoạch mở rộng.

Không chỉ VARS, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng dự báo, sức mua ngành bán lẻ dự báo sẽ có sự hồi phục hơn nữa từ 6 tháng cuối năm 2023. Hỗ trợ cho kỳ vọng đó là các quyết sách kích thích cầu nền kinh tế của Chính phủ.

Cụ thể, Ngân hàng nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, chính sách tăng lương cơ bản và giảm thuế VAT cũng bổ trợ cho ngành bán lẻ. Từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng 20% từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Cũng từ 1/7/2023, nhiều nhóm hàng hoá tiêu dùng cũng được chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Các yếu tố này góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của ngành bán lẻ thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm