Mảng bán lẻ ICT kéo FPT Retail báo lỗ lũy kế 6 tháng 213 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) đã chính thức công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023…

Mảng bán lẻ ICT kéo FPT Retail báo lỗ lũy kế 6 tháng 213 tỷ đồng

Trong quý 2/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần của công ty mẹ là 3.605 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế công ty mẹ 252 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 47,5 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía FPT Retail, nguyên nhân doanh thu sụt giảm là do cầu hàng hóa tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu vì điều kiện vĩ mô không thuận lợi: xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng,...

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các nhà bán lẻ cạnh tranh giá bán để giành thị phần.

Xét trên góc độ hợp nhất, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2023 đạt 7.170 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 14,8% lên 1.084 tỷ đồng, biên lợi nhuận vẫn ổn định ở mức 15%.

Tuy nhiên, trong quý 2 lại ghi nhận các chi phí tăng mạnh. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 48,5% lên 73 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24,2% lên 963 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 167% lên 256 tỷ đồng.

Kết quả, FPT Retail lỗ sau thuế hợp nhất 215 tỷ đồng trong quý 2/2023. Riêng lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 218,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế 213 tỷ đồng.

Xét riêng từng chuỗi, trong 6 tháng đầu năm Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý 2; hiệu quả kinh doanh cửa hàng được duy trì với doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Do đó, Long Châu đã đóng góp cho tổng doanh thu của FPT Retail lên tới 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, thị trường bán lẻ ICT đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt giành thị phần, vì vậy, doanh thu lũy kế chuỗi FPTShop 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8.118 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của FPT Retail là 9.178 tỷ đồng, giảm 12,8% so với đầu năm. Cụ thể, các khoản tiền và đầu tư ngắn hạn giảm 61% về 724,2 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận giảm 6,5% còn 6.065 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Ngược lại, nợ xấu của FPT Retail lại ghi nhận tăng 46,5% lên mức 10,4 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu nợ, đến hết quý 2, tổng nợ phải trả của FPT Retail là 7.401 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 4.217 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nợ.

FRT.png
Diễn biến giá cổ phiếu FRT thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 28/7, giá cổ phiếu FRT đang dừng ở mức 78.300 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường ước đạt gần 10.668 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…