Vẫn còn dư địa giảm lãi suất, nhịp phục hồi của doanh nghiệp ngày càng gần

Trong lúc doanh nghiệp vẫn kêu khó vì lãi suất cao, nhiều chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm sẽ còn có thêm đợt hạ lãi suất…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ht-37-6513.jpg
Nhiều doanh nghiệp dệt may, đang chật vật tìm đơn hàng. Ảnh minh hoạ

Nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, bài toán về vốn vẫn đang làm khó doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu vốn cũng giống như một cơ thể thiếu máu, về lâu dài chủ thể sẽ “suy nhược”.

BÀI CA CỦA DOANH NGHIỆP

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu mức lãi cho vay khá cao. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, doanh nghiệp của ông đang chuẩn bị làm dự án bất động sản ở Phú Thọ, dù là khách hàng tốt, rất tiềm năng, nhưng ngân hàng vẫn đang báo lãi suất cho vay ở mức 11%/năm.

“Đây là mức lãi suất doanh nghiệp không vay để làm gì được. Chúng tôi đang đàm phán với ngân hàng để có mức lãi suất phù hợp”, ông Hiệp chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngành nghề khác cũng đã “khóc” vì chịu lãi quá cao, trong khi tình hình sản xuất gặp khó. Vào hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay.

Trong văn bản, VASEP cho biết lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng quá cao, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5%.

“Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó”, VASEP cho biết.

Nếu tính cả các khoản phí cộng với lãi suất đã cao như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)… tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp.

“Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này”, văn bản của VASEP nêu rõ.

Còn báo cáo ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh. Giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ với mức -27%, thị trường Canada -10,9%, thị trường EU -6,2%, Hàn Quốc -2%…

Bởi xuất khẩu giảm nên kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng chỉ ước đạt đạt 18,6 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái là giảm 17,6%. Xuất siêu cũng vì thế mà giảm hơn so với năm ngoái, chỉ đạt 7,9 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 8,8 tỷ USD.

“Mặc dù Ngân hàng nhà nước đã có bốn lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ đồng…”, VITAS phân tích.

VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG TRỞ NGẠI

Thực tế, không chỉ lãi suất làm khó doanh nghiệp, mà còn rất nhiều nguyên nhân khác. Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.

Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.

zalo (2).jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước…

Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

“Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài…

SẼ PHỤC HỒI VÀO DỊP CUỐI NĂM

Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14 - 15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

zalo.jpg
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo ông Nghĩa, có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.

Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.

Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Vị TS dự đoán, tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định.

them-mot-ong-lon-dieu-chinh-giam-lai-suat-cho-vay_648a7ec51a23d.png
Nguồn: SSI

“Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, ông Nghĩa khẳng định.

Đặc biệt, trên thế giới, chỉ số ngành sản xuất PMI toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay.

Đối với lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra dự đoán, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm