PGS-TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nhìn nhận, việc điều hành, quản lý Bình ổn giá rất phức tạp, nhất là trong việc cân đối giữa xả quỹ và trích quỹ. Nếu chỉ xả quỹ mà không trích thì sớm muộn sẽ cạn quỹ. Còn nếu trích quỹ trong mọi trường hợp thì dễ dẫn đến tâm lý bất bình từ phía người dân khi có những thời điểm giá xăng không được bù đắp đáng kể.
"Nếu không quản lý được hiệu quả nguồn quỹ này thì nên loại bỏ khỏi công thức tính giá xăng dầu. Cùng với đó, tạo ra những cơ chế để đưa giá xăng trở về đúng nghĩa thị trường, như tăng cường đầu mối, giảm độc quyền, loại bỏ tham nhũng chính sách, ưu ái cho DN thị phần... Đó mới chính là cách điều hành giá xăng dầu hợp lý" - ông Đào góp ý.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có dự phòng cho tình huống xấu. Tuy nhiên, điểm bất cập hiện nay trong trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chính là nguồn trích quỹ hiện chỉ thu từ phía người dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp một đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít, dù bất kể giá xăng dầu trong nước lên xuống thế nào.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nói là lập ra để bình ổn giá vì người dân nhưng thực tế việc điều hành quỹ hiện không có đại diện người dân nào cả. Người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện ra làm sao, việc công khai minh bạch như thế nào? Cho nên Nghị định 83 cần được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Một chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng đề xuất bỏ hẳn quỹ bình ổn giá bày tỏ, nói bất ổn, bất cập là còn nhẹ, vì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực sự không giống ai cả. Trước đây chúng ta có quỹ bình ổn dùng cho cả nước, lấy lãi của mặt hàng này để bù các mặt hàng khác nhưng riêng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì “ông này” chả giống ai cả.
Quỹ bình ổn này có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, rất dễ thất thoát vì không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo thôi, rất khó kiểm soát.
Vẫn theo chuyên gia này, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn không bình đẳng ở chỗ, ông chỉ đạo nay xả đi bằng từng này nhưng đó là về mặt lý trí của ông quản lý, nhưng 11 ông đầu mối lại khác nhau, không thể đồng bộ được, xin cho là rất mệt. Cuối cùng, vẫn tiền của dân và trả qua lại như vậy dân chẳng có lợi gì. Ngay cả thị trường cũng không có lợi bởi việc xả và trích quỹ làm cho giá xăng dầu méo mó, không đúng với giá thị trường nữa. Quỹ này nên dẹp từ lâu rồi.