Nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân hướng về Hội nghị Trung ương 7, khóa XII

Những vấn đề các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII , cho ý kiến thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân hướng về Hội nghị Trung ương 7, khóa XII

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII diễn ra từ ngày 7 đến 12-5, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.

Đây là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định sự thành bại của cách mạng

Ông Nguyễn Văn Rua, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương rất phấn khởi khi hay tin Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tập trung xem xét, quyết định ba đề án quan trọng, trong đó Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” theo ông là đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.

Theo ông Nguyễn Văn Rua, cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định mọi vấn đề của đất nước, của cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn chăm lo và hết sức quan tâm đến công tác cán bộ.

Tuy nhiên, đây đó vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong công tác cán bộ như: Đội ngũ đông nhưng chưa đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu; có tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu bằng cấp, thiếu năng lực, không đảm bảo quy trình.

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ cũng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; chưa thu hút, khuyến khích người giỏi vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước…

Theo ông Nguyễn Văn Rua thời gian tới, Đảng cần đề ra những giải pháp đủ mạnh để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất đạo đức, có uy tín và năng lực ngang tầm nhiệm vụ được giao; đó phải là những cán bộ có tâm và có tầm.

Ông Rua tin tưởng chắc chắn rằng Đảng sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đi đôi với cải tiến chính sách tiền lương để cán bộ có điều kiện thuận lợi hơn, an tâm công tác, phấn đấu vươn lên; tinh gọn biên chế đủ số lượng, đồng bộ, cán bộ phát huy năng lực chuyên môn cao nhất và có thu nhập tương xứng.

Liên quan đến Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đang được thảo luận tại Hội nghị, ông Lê Văn Chấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho hay: Đảng đã nhận thấy những khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua cần phải nghiêm túc tìm ra các biện pháp để khắc phục, sửa chữa.

Cái tốt hiện nay là lòng dân thống nhất cao với Đảng và Đảng đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và dân tộc.

Những vấn đề như chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương bảy (Khóa XII) được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Đảng viên Đặng Hữu Hào, cựu chiến binh quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng, công tác cán bộ là vấn đề lớn, quyết định đến sự thành, bại của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập mặc dù quy trình lựa chọn cán bộ rất khoa học nhưng còn mang tính khép kín và thiếu minh bạch, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo ông Hào, cán bộ giỏi là người trải qua thực tế, am hiểu lĩnh vực phụ trách và hoạt động tốt các phong trào, được cơ sở tín nhiệm, tin yêu.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề, mới giải quyết được tình trạng "chạy chức, chạy quyền".

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ để giải quyết bài toán cục bộ địa phương, hạn chế được tình trạng "con ông, cháu cha".

Khuyến khích người có năng lực cống hiến

Nói về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ông Phan Thành Sơn, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho rằng rất ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.

Đây là vấn đề cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội XII thật sự coi con người là trung tâm của sự phát triển và là động lực giải quyết các vấn đề năng suất lao động sản phẩm xã hội, thu hút nhân tài; nâng sản phẩm con người đáp ứng yêu cầu mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Phan Thành Sơn, việc xây dựng đề án đã nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách tiền lương. Hiện nay chính sách tiền lương còn bất cập, chưa khuyến khích được người có năng lực cống hiến.

Do đó, Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ đem đến nhiều niềm vui, niềm tin vào Đảng càng vững chắc. Về các giải pháp, nhất là giảm biên chế phải làm khẩn trương để thực hiện sớm chính sách tiền lương; Chính phủ cần tổng kết việc xác định vị trí việc làm có đúng và thực sự khách quan.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm, hiện chính sách tiền lương dù đã cải cách nhưng vẫn chưa tạo được động lực đủ mạnh cho người hưởng lương để phát huy tài năng và cống hiến, không thu hút được nhân tài.

Mặt khác, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Ngoài ra, có quá nhiều loại phụ cấp, đặc biệt là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm đã phát sinh nhiều bất hợp lý.

Do đó, Đề án cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là đề án hết sức có ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải cải cách chính sách tiền lương.

Việc cải cách chính sách tiền lương thời gian tới có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập; nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện.

Nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước tạo nền tảng cho cải cách chính sách tiền lương đã được ban hành, nhất là về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thế và lực của nền kinh tế đã lớn mạnh hơn, thị trường lao động ngày càng phát triển; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng tăng, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn; tiềm lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp trong khi nhu cầu chi rất lớn cho đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường…

Vì vậy, Đề án cải cách tiền lương đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần này cần phải có những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Ông Đỗ Như Thuần - Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng cho biết, vấn đề cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân rất quan tâm.

Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của nhân dân.

Thực tế cho thấy, nhiều công chức, viên chức do mức lương thấp, phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống nên sự tâm huyết với công việc là chưa cao. Do đó, Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo ông Thuần, cần tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng quỹ lương, góp phần tạo động lực để các cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...