Theo ông Nguyễn Hồng Điệp – Chuyên gia tài chính chứng khoán, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là theo xu hướng chung của thế giới nhưng cũng thể hiện áp lực về trách nhiệm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng, cũng như các mục tiêu vĩ mô khác như tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ông Điệp cho rằng, động thái này sẽ có tác động tích cực và lâu dài đến thị trường chứng khoán nói chung và ngành xuất khẩu sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi do không phải chịu áp lực thu tiền về. Việc giảm lãi suất cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong năm 2019.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong 9 tháng năm 2019 sẽ tận dụng dòng vốn giá rẻ để tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong quý cuối cùng và từ đó sẽ góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của cả năm thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ hoàn thành được chỉ tiêu đã đề ra.
Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán, thanh khoản sẽ được cải thiện khi dòng vốn rẻ trở lại kéo theo nhóm các công ty chứng khoán cũng được hưởng lợi, đặc biệt là các công ty đầu ngành.
Đồng quan điểm về việc NHNN giảm lãi suất sẽ là một tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán trong dài hạn nhưng ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc kinh doanh của CTCK VNDirect lại cho rằng nhóm doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều tác động tốt chứ không phải nhóm ngân hàng.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng sẽ không bị thiệt hại đáng kể mà chỉ chịu thiệt một phần nhỏ trong khoảng 2 quý đầu năm 2020, sau đó mức lợi nhuận sẽ được bù đắp bởi hiệu ứng tăng trưởng về cho vay khi khối doanh nghiệp sẽ tăng đi vay nhờ dòng vốn giá rẻ. Những thống kê sơ bộ cho thấy nhóm ngân hàng sẽ giảm khoản 1-2% lợi nhuận trong nửa đầu 2020 (trích dẫn từ báo cáo riêng) nhưng không tác động nhiều tới xu hướng lợi nhuận chung.