NHNN lập đường dây nóng xử lý những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng

Trước phản ánh của một số doanh nghiệp về việc khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại, NHNN đã có văn bản gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố yêu cầu thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý.
NHNN lập đường dây nóng xử lý những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng

Theo đó, NHNN yêu cầu phải công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp, người dân biết nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến Thông tư 01.

Thành lập bộ phận thường trực tại NHNN Chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn. Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh chủ động liên hệ ngay với văn phòng NHNN, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc NHNN để phối hợp xử lý.

Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư 01 và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng (cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới lãi suất thấp...). Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại khẳng định đang hết sức tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó,  các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18 nghìn tỷ đồng. Đã thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126 nghìn tỷ đồng.  Đã cho vay mới 65.208 tỷ đồng với  354.286 khách hàng.

Nêu quan điểm về việc các doanh nghiệp “than khó”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nay, ngân hàng không thiếu tiền để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp muốn vay vốn phải chứng minh được vay để làm gì, dự án có thật không, hiệu quả không, có nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra hay không?

Thực tế, các ngân hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm lãi vay 0,5-3%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, vay vốn ngân hàng, dù lãi suất đã được giảm, doanh nghiệp vẫn phải trả gốc, trả lãi, có nghĩa là phải chứng minh khả năng trả nợ. Hiện nay, một số doanh nghiệp kêu  khó tiếp cận vốn, nhưng không có tài sản thế chấp đã đành, lại còn không chấp nhận cho ngân hàng quản lý dòng tiền, không chứng minh được đầu vào, đầu ra, vậy làm sao ngân hàng dám cho vay?

Ngành ngân hàng đang hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp, chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải là hỗ trợ vô điều kiện, cho vay vô tội vạ. Nếu cho vay dễ dãi, doanh nghiệp dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả thì nợ xấu sẽ tăng vọt, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, ngân hàng nào cũng phải thực hiện nghiêm Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.

Theo đó, tất cả dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu nợ, doanh nghiệp nào không được ngân hàng cơ cấu nợ thì phản ảnh trực tiếp với NHNN, sẽ bị xử lý và thông báo trên toàn quốc để làm gương.

Thế nhưng, doanh nghiệp cũng không nên quá nóng vội. Thông tư 01 mới được ban hành 1 tháng, rất nhiều thủ tục pháp lý phải triển khai, các ngân hàng thương mại đang hết sức nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...