Nhu cầu dần phục hồi, ngành cá tra “cưỡi sóng" trở lại đường đua

Từng là ngành có kết quả kinh doanh rực rỡ trong năm 2022 tuy nhiên những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu cá tra đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ…
ngành cá tra

Cá tra là loại cá đặc hữu của vùng đồng bằng sông Cửu Long mang lại giá trị lớn về kinh tế. Nhưng ngành cá tra cũng thường xuyên rơi vào vòng quay thăng trầm. Trong quý 1/2023, ngành cá tra luôn tục gặp nhiều vướng mắc khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán ra lại suy giảm khiến cho triển vọng ngành cá tra không mấy lạc quan.

Mới đây, chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã công bố báo cáo triển vọng ngành cá tra trong nửa cuối năm 2023 và cho rằng kể từ quý 3 sẽ có sự phục hồi của ngành đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.

Khó khăn chồng chất

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến thời điểm 15/3/2023, diện tích cá tra thả nuôi ước đạt 1.390 ha tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thả nuôi cá tra ước đạt 352,4 ngàn tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch cá tra nguyên liệu ghi nhận giảm.

ngành cá tra

Bên cạnh đó, diễn biến về giá có nhiều biến động trái chiều khi giá bán liên tục rớt giá, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Thời điểm tháng 4/2023, giá thức ăn cho cá vẫn duy trì đà tăng đạt mức 14.750 đồng/kg tăng 6,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong năm vừa qua khiến sản lượng ngũ cốc sụt giảm. Đồng thời, lạm phát và chiến tranh diễn ra khiến giá các loại ngũ cốc liên tục leo thang.

Theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ quay trở lại vào năm 2023, khiến cho thời tiết toàn cầu sẽ nóng và khô hạn hơn, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và thu hoạch. Trên cơ sở này, giá ngũ cốc trong năm 2023 sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nên nếu tỷ giá tiếp tục tăng cao trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho việc nuôi cá.

Về cá giống cũng gặp không ít khó khăn, nguồn cá giống mẫu 30 con/kg ở tình trạng khan hiếm giảm một nửa so với năm trước do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm và bệnh gan thận mủ, thối đuôi; đồng thời nhu cầu cá giống cũng tăng cao sau kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch, khiến giá cá giống dao động quanh vùng 43.000 – 45.000 đồng/kg.

Chưa kể, sự ảnh hưởng đến từ nền kinh tế vĩ mô khi lạm phát tại Mỹ tăng cao người dân thắt chặt chi tiêu, chính sách Zero Covid của Trung Quốc chưa chấm dứt. Điều này khiến cho sản lượng xuất khẩu cá tra sang hai thị trường chính này ghi nhận sự tụt dốc. Sản lượng xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 298 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 724 triệu USD giảm 40% so với năm 2022.

Tìm ra điểm sáng

Tới tháng 5/2023, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ số CPI đã giảm 53% tương ứng đạt 4,05%. Điều này có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này, bên cạnh đó vào thời điểm cuối quý 2 là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. 

“Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ”, VCBS khẳng định

Tại thị trường Trung Quốc, trong tháng 2 có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến tại thị trường này bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm.

Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm ngày 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện, VCBS cho rằng nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi tiếp sau tháng 4. 

ngành cá tra

Thêm nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số CPI giảm 89% so với tháng trước, GDP tăng 55% so với quý trước là động lực cho tiêu dùng được cải thiện trong năm 2023.

Bên cạnh đó, áp lực về vận tải đã giảm bớt, hiện tượng tắc cảng xảy ra hồi đầu năm đã chấm dứt. Chỉ số GSCPI (đo lường áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng) đã giảm về mức -1,32. Tỷ lệ lấp đầy tại các cảng ở Bắc Mỹ và Bắc Âu duy trì ở mức 10-85%, không còn bị tắc nghẽn như đợt cuối năm 2022.

Giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch. Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.

Doanh nghiệp nào tiềm năng? 

Dự phóng kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV), VCBS cho rằng, công ty đang duy trì các đơn hàng ổn định, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6/2023. Sau khi có kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19, công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn và bán được sản phẩm chủ đạo của mình với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, Nam Việt cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại. VCBS cho biết công ty này đã kết nối được  tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.

Về mảng Collagen và Gelatin (C&G), sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cho nhà máy Amicogen, Nam Việt dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. Do mới bước đầu khai thác mảng C&G nên công ty được kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận cho mảng này.

Với mảng điện, dù dự án điện mặt trời bị đẩy lùi do vướng mắc chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nếu được chính phủ phê duyệt vào năm 2025, doanh thu mảng điện mặt trời sẽ đạt 628 tỷ đồng (tăng khoảng 436% so với năm 2024) nhờ việc cải thiện được công suất lưới điện.

Đối với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC), một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, cá basa hàng đầu của Việt Nam, trước tình hình khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và Châu Âu, Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Song, công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi từ quý 4 khi trữ lượng hàng tồn kho giảm dần, đồng thời nhu cầu nhập khẩu cá sẽ được cải thiện khi các dịp lễ bên phương Tây đến gần.

Các chuyên gia của VCBS nhận định rằng do ngành cá tra có tính chất chu kỳ, quý 4 hàng năm là thời kỳ cao điểm của ngành do cận kề các dịp lễ Tết. Giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và bắt đầu hồi phục từ khoảng quý 3/2023.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm