Nữ nhà báo Nguyễn Thu Trang viết loạt bài "Thâm nhập những lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội"
Nhà báo Nguyễn Thu Trang, Báo Phụ nữ TP HCM (công tác tại Văn phòng đại diện ở Hà Nội), chị Thu Trang đã thực hiện loạt bài điều tra "Thâm nhập lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội", gây bão dư luận, khi một loạt đối tượng tiêu cực được nhắc đến đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở một số sở, huyện, lãnh đạo sở... của Hà Nội.
Sau loạt bài đó chị nhận được các cuộc gọi điện với nội dung đe doạ sẽ giết cả gia đình vì chị đã động đến "nồi cơm" của nhiều người.
Nhà báo Thu Trang
Về loạt bài "Thâm nhập những lò gạch thổ phỉ ở Hà Nội", nhà báo Thu Trang cho biết: Ngay sau khi bài báo đầu tiên được đăng tải, Toà soạn Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự can thiệp của rất nhiều người, xưng là lãnh đạo ngành nọ ngành kia, đề nghị gỡ bài đã đăng trên báo điện tử.
Chị chia sẻ trên báo CAND "Nói tôi không sợ thì không đúng, nhưng tôi đã lường trước điều này. Thế nên tôi đã làm tất cả mọi việc cần thiết nhất để bảo vệ chính mình và gia đình. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, người thân của tôi cũng sẽ biết kẻ đã trả thù tôi là ai. Bạn hỏi có sợ không thì nói thật là tôi đã buộc mình phải bước qua nỗi sợ hãi từ lâu rồi".
Có thể nói, những loạt bài đấu tranh với tiêu cực của chị đã thành công, khi gây được dư luận tốt trong xã hội, cũng như loạt bài "cò viên chức lộng hành", phản ánh việc gần 200 giáo viên bị đuổi việc và bị cuốn vào vòng quay tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức ở Sóc Sơn, trước đó là phanh phui đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, phanh phui đường dây trộm cắp hàng trong container ở cảng Đình Vũ, Hải Phòng.
Nhà báo Hàn Ni và vụ Quán cà phê "Xin chào"
Nhà báo Hàn Ni (PV Báo Sài Gòn giải phóng), tác giả loạt bài viết liên quan đến vụ quán cà phê Xin Chào gây xôn xao dư luận vừa qua. Loạt bài có tác động rất lớn đến xã hội, nhất là khi các cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh chóng.
Nhà báo Hàn Ni - Ảnh: P.L
Về loạt bài vụ quán cà phê Xin Chào, chị là người “nổ phát súng” đầu tiên, Hàn Ni kể, loạt bài này không xuất phát từ đơn thư bạn đọc mà chị biết được qua câu chuyện từ một người bạn làm bác sĩ, người điều trị cho mẹ chủ quán cà phê Xin Chào.
Trong buổi trà dư tửu hậu, vị bác sĩ này đã kể và với kinh nghiệm của người làm báo, chị cảm thấy câu chuyện có nhiều uẩn khúc nên vào cuộc. Tuy nhiên, khi tiếp cận thì hồ sơ đã được đưa ra tòa. Lâu nay, báo chí luôn xem hoạt động của cơ quan tư pháp là “vùng cấm”, mà vụ án này đã qua các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, lại đụng chạm đến lãnh đạo thì không hề đơn giản.
Tuy nhiên, đã biết, đã nghe, đã thấy người dân bị oan mà không làm thì sẽ day dứt nên phải làm thôi. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chị đã có bộ hồ sơ với 300 trang giấy đủ bút lục. Để đọc hết và hiểu rõ toàn bộ từng chi tiết trong hồ sơ, chị đóng cửa suốt cả kỳ nghỉ lễ để nghiên cứu, thậm chí gần như thuộc làu 300 trang tài liệu.
Hiểu rõ vụ việc bị phanh phui sẽ đụng chạm tới quyền lợi nhiều người, nên chị cũng lo lắng, hồi hộp lắm. Ngay khi bài báo được đăng, cộng đồng mạng xôn xao, các báo khác vào cuộc. Bạn bè liên tục điện thoại hỏi “mày có sợ không, tình hình ra sao, có sợ trả thù không?…”.
“Áp lực là điều đương nhiên, nhưng tôi thử đặt mình vào vị trí người dân, bị oan thì phải đấu tranh cho họ. Còn sợ bị trả thù? Nếu vậy, các cán bộ điều tra cũng sợ bị trả thù thì sao làm án? Nên việc gì mình thấy đúng thì làm thôi!”, chị tâm sự.
Nhà báo Minh Long với loạt bài "Than tặc hoành hành tai Quảng Ninh"
Nhà báo Minh Long, Bút danh: Mộc Miên (PV Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam) vừa đạt giải C giải báo chí Quốc Gia năm 2016 với loạt bài “than tặc” hoành hành tại Quảng Ninh đã gây tiếng vang.
Nhà báo Minh Long. Ảnh do NV cung cấp
Đã từ lâu, tỉnh Quảng Ninh được coi là điểm nóng của việc đào trộm than, cùng những cuộc chiến tranh giành lãnh địa giữa các thế lực đang khai thác trái phép. Là 1 cô gái, thân hình nhỏ nhắn, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng Minh Long dám xông pha trên mặt trận với những thế lực nguy hiểm.
Ngoài loạt bài đạt giải, cô còn được biết đến với những bài điều tra mang tính xã hội nóng nổi như: khai thác Quặng trái phép ở Mông Dương – Cẩm Phả, Quảng Ninh, Thâm nhập hàng giả, hang nhái ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, thuốc kích dục bán tràn lan ở Hàng Chiếu.. vv
Hàng loạt bài điều tra của chị đã được độc giả hết sức ủng hộ và đón nhận. Điều đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã nổi tiếng với các băng nhóm, giang hồ cộm cán, nhiều thành phần nguy hiểm bảo kê cho hoạt động khai thác than trái phép, tại khu vực nguy hiểm như vây, chỉ cần có một chút sơ hở thôi, bị phát hiện thì khó có thể giữ được tính mạng.
Nhà báo Minh Long chia sẻ: Phải mất gần một tuần cứ vạ vật ở khu vực khai thác than, chúng tôi phải cắt đứt toàn bộ thông tin liên lạc với người thân, bạn bè, tránh bị phát hiện, hoàn thiện vai diễn là người đi buôn bán và chờ đợi thời cơ, ở khu vực này rất nhiều đối tượng do thám cho “than tặc” mà dân địa phương gọi là “chim lợn”, chỉ câng chúng nghi ngờ thôi là toàn bộ kế hoạch đã bị đổ vỡ và đã có nhiều lần các đối tượng xăm trổ dung súng lắp đạn hoa cải rượt đuổi.
Thật may mắn, tôi đã thoát khỏi “điểm nóng”, lúc đấy tim mới vỡ òa là mình đã từ cõi chết trở về. Minh Long, cái tên mà ban đầu độc giả đọc ai cũng nghĩ là đàn ông, và chỉ có đàn ông mới dám xông pha trận mạc như vậy, cho đến khi chị lên nhận giải, thì mọi người mới biết rằng: hóa ra Minh Long là phụ nữ.
Là những phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng ý chí phi thường, với họ không chỉ có lòng yêu nghề, mà họ là những người bản lĩnh, dũng cảm đứng lên đấu tranh chống tiêu cực để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Họ xứng đáng là những Bông hồng thép trong làng báo chí.
Nhất Phong