Những “cái chết” trên thị trường kinh doanh xăng dầu

Năm 2023, ngành xăng dầu Việt Nam xảy ra rất nhiều biến động từ việc hàng loạt cây xăng phải đóng cửa vì lỗ đến các “ông lớn” xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” chỉ rõ sai phạm dịp cuối năm…

xang-dau-7866.jpg
Năm 2023, hàng loạt thương nhân xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ "điểm mặt" chỉ rõ sai phạm

Ngành xăng dầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn cùng sai phạm về gian lận, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá, đo lường, chất lượng… Đầu năm 2023, do thua lỗ nên nhiều cây xăng tại các tỉnh thành phải đóng cửa nghỉ bán. Đến cuối năm, hàng loạt thương nhân kinh doanh xăng dầu đình đám đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những vi phạm nghiêm trọng, có những thương nhân đầu mối thậm chí bị tước giấy phép kinh doanh. Thực trạng một số thương nhân xăng dầu đang dần “chết” cho thấy sự phức tạp của ngành xăng dầu Việt Nam hiện nay.

CÂY XĂNG THI NHAU ĐÓNG CỬA

Đầu năm 2023, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh thành đua nhau đóng cửa vẫn tiếp diễn. Các cửa hàng dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là thua lỗ kéo dài.

Đơn cử, Sở Công Thương Nghệ An cho biết có 10 cửa hàng xăng dầu bán lẻ gửi đơn xin dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu. Toàn tỉnh có hơn 20 cửa hàng xăng dầu đã dừng hoạt động sau khi hết hạn giấy phép. Nguyên nhân chính được các doanh nghiệp đưa ra là do việc kinh doanh xăng dầu thường xuyên thua lỗ.

nghe-an-3809.jpg
Cây xăng tại Nghệ An đóng cửa

Theo đại diện một số doanh nghiệp, kinh doanh liên tục bị lỗ trong bối cảnh nguồn cung gặp nhiều khó khăn, các đầu mối hạn chế bán, đồng thời cắt chiết khấu.

Tại Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến ngày 30/1/2023, nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều biến động. Toàn tỉnh có 35/232 (chiếm 15%) cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm dừng bán hàng do hết mặt hàng xăng dầu.

Nguyên nhân các cửa hàng phải đóng cửa, tạm dừng bán hàng do doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống. Bên cạnh đó, vì kinh doanh thua lỗ nên một số cửa hàng cố tình ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Tiếp sau nhiều cây xăng ở các tỉnh, thành khu vực miền Nam và miền Trung – Tây Nguyên đóng cửa nghỉ bán, nhiều cây xăng ở khu vực Hà Nội dọc tuyến Đại lộ Thăng Long hướng từ Hà Nội đi Hòa Lạc, qua địa phận huyện Hoài Đức vào huyện Quốc Oai đã đóng cửa và treo biển hết xăng. Một vài cửa hàng mở cửa thì thông báo hết xăng, chỉ còn dầu.

Một số cây xăng dọc đại lộ Thăng Long chỉ bán xăng hạn chế ở mức 40.000 - 50.000 đồng cho xe máy và 200.000 đồng cho xe ô tô.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết, tình hình của các doanh nghiệp khá căng do giá bán lẻ trong nước hiện thấp hơn so với giá thế giới gần 2.000 đồng/lít.

Theo vị này, diễn biến thị trường đang diễn ra tương tự với giai đoạn sau Tết Quý Mão do mức chênh lệch giá quá lớn. Các doanh nghiệp đầu mối cũng bị lỗ nên không thể cắt chiết khấu cho các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Việc lỗ dây chuyền khiến các đại lý bán lẻ vốn ít nên bị cụt vốn, không còn nguồn lực để nhập xăng về bán.

Qua kiểm tra của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhìn chung các cửa hàng vẫn mở cửa phục vụ người dân bán hàng theo đúng thời gian và giá bán đã niêm yết. Tuy nhiên, có một số cửa hàng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về.

DOANH NGHIỆP BÁN LẺ KÊU CỨU

Tháng 2/2023, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định và hài hoà lợi ích. 950 thành viên tương đương gần 9.000 cửa hàng xăng dầu, chiếm tới 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

doanh-nghiep-keu-cuu-8710.jpg
Thua lỗ, gần 9.000 cửa hàng xăng dầu "kêu cứu"

Theo đơn kiến nghị, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1 - 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu.

Nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác, doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 83, nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Nhưng những sửa đổi, bổ sung của dự thảo nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, 2 nghị định trên có nhiều quy định chưa phù hợp. Đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn... dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Một điểm bất hợp lý khác là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Họ được hưởng quyền lợi về giá (tính định mức lợi nhuận) và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách.

Còn doanh nghiệp bán lẻ, mặc dù ký làm đại lý cho thương nhân phân phối nhưng không trực thuộc thương nhân phân phối, mà tự hạch toán doanh thu, lỗ lãi, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không có chiết khấu cho khách dẫn đến mất khách hàng.

Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết không giao hàng. Họ để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù doanh nghiệp bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa.

Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Ngày 17/11/2023, nghị định 80 sửa đổi, bổ sung 2 nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu được ban hành nhưng cũng chưa giải quyết được câu chuyện mà các doanh nghiệp gặp phải.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Như vậy, nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành trước đây.

LOẠT “ÔNG LỚN” XĂNG DẦU BỊ THANH TRA ĐIỂM MẶT

Ngày 4/1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo kết quả thanh tra, cơ quan quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý quỹ, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với quỹ.

Có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ bình ổn giá với số tiền là 7.927 tỷ đồng.

Trong số này có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên gồm: Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà bị phạt 4 lần, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị phạt 3 lần, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức bị phạt 3 lần.

Theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) đã trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập quỹ bình ổn giá sai, vượt khối lượng với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

hai-ha-2714.jpg
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà

Đến cuối tháng 11/2023, số dư quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường trên 1.781 tỷ đồng.

Hồi tháng 9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai vì liên quan đến vấn đề nợ thuế. Bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hải Hà Petro là một công ty xăng dầu lớn khu vực miền Bắc, được cấp phép năm 2012. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện có 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trên cả nước. Hiện, công ty này đã bị Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, ngày 27/12, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, đứng đầu danh sách nợ thuế là công ty Thiên Minh Đức với số tiền nợ lên đến 950 tỷ đồng. Sau thông báo trên, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Thiên Minh Đức.

thien-minh-duc-248.jpeg
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức

Theo giới thiệu của tập đoàn này, đây là công ty đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng có quy mô lớn ở Bắc Trung Bộ. Năm 2022, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Riêng tại Nghệ An, tập đoàn Thiên Minh Đức sở hữu tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng kho xăng dầu này có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ năm 2019.

Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil vi phạm trích lập quỹ bình ổn giá thiếu khoảng 3 tỷ đồng. Vụ việc tại công ty Xuyên Việt Oil không chỉ đơn thuần dừng lại ở câu chuyện thuế mà lãnh đạo công ty cũng như một số vị quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

xuyen-viet-oil-7555.jpeg
Cây xăng của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil

Cụ thể, theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết ngày 30/6/2023, Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỷ đồng tiền thuế, tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ của địa phương này. Số tiền quỹ bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này cũng là con số rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đáng chú ý, tháng 1/2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,6 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng nghìn tỷ. Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định.

Không chỉ nợ thuế, vào cuối tháng 8/2023, Xuyên Việt Oil có dư nợ gần 5.500 tỷ tại 4 ngân hàng trong nước, tất cả đều thuộc nhóm nợ xấu. Công ty này là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu, sở hữu 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 49 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối.

Tháng 9/2023, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Ngoài những “ông lớn” kể trên, còn rất nhiều cái tên đình đám bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm như Petrolimex và các công ty con, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng (Công ty Long Hưng), Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Petro Bình Minh, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...