Bám sát xu hướng
Một khu công nghiệp dễ dàng thu hút đầu tư nếu nằm trong khu vực có môi trường kinh doanh tốt, có lợi thế về cảng hàng không và cảng biển, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Thế nhưng hiện nay, điều ấy đã trở thành một chuẩn chung, khiến các khu công nghiệp không mấy khác biệt, dẫn đến cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư.
Một số khu công nghiệp ở TP.HCM đã có những thay đổi nhanh để thích ứng với thị trường, khi chính quyền Thành phố chú trọng dịch chuyển dần sang các ngành công nghệ cao, trong khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công và đất đai ít được khuyến khích.
Khu chế xuất Tân Thuận - một khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư, mặc dù nằm sát bên cảng biển và trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho việc giao thương. Nguyên nhân, các khu công nghiệp kế cận ở Long An, Đồng Nai đang có nhiều ưu đãi hơn, giá thuê mặt bằng rẻ hơn.
Tân Thuận nhìn thấy khó có thể kiếm lợi nhuận nếu cứ tiếp tục cho thuê nguyên lô. Một giải pháp được thực thi: xây dựng các nhà xưởng từ 3 - 8 tầng với diện tích mỗi sàn trên dưới 1.000m2. Nói cách khác, một lô đất cho thuê không còn là cứ địa của một doanh nghiệp mà có thể có cả chục doanh nghiệp hoạt động. Đây là cách thu hút doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít nhưng muốn có ngay nhà xưởng hoạt động và các tiện ích đi kèm.
Theo Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận, nhờ mô hình này, tỷ lệ lấp đầy gia tăng, chưa kể giúp nâng cao năng suất đầu tư và số lượng doanh nghiệp hoạt động trên một hécta đất. Giá thuê đất trung bình tại Tân Thuận đã tăng lên 15 triệu USD/ha, gấp đôi so với trước đó là 7 triệu USD/ha và tăng lên 12 doanh nghiệp/ha so với một doanh nghiệp/ha trước đây. Với tính hiệu quả ấy, mô hình này đã bắt đầu lan rộng tại các khu công nghiệp của TP.HCM.
Trong chiến lược kinh doanh mới, khu công nghiệp Hiệp Phước tập trung vào việc tạo ra các lô đất cho thuê có diện tích từ 750 - 1.000m2 với mục tiêu thu hút doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đánh giá của ban lãnh đạo khu công nghiệp Hiệp Phước, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, rất cần mặt bằng sản xuất, nên đây là cách để đáp ứng nhu cầu đa dạng ấy. Đến nay, cách làm này đã thu hút được 34 dự án với 44 lô đất tổng cộng 20ha, được lấp đầy với các ngành sản xuất cơ khí, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, điện tử, kho vận...
Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng được đánh giá là khá năng động trong chiến lược kinh doanh, khi mở Khu kỹ nghệ Việt - Nhật với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô nhỏ. Theo đó, Hiệp Phước xây dựng nhà xưởng sẵn theo tiêu chuẩn Nhật Bản và kèm theo các dịch vụ như giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tư vấn thuế, kế toán, đào tạo và huấn luyện nhân lực biết tiếng Nhật.
Như vậy, "chủ đất" thực hiện dịch vụ từ A tới Z, tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực vào sản xuất và kinh doanh. Mô hình này khá thành công khi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký hoạt động tại Hiệp Phước.
Nhân rộng thương hiệu
Xây dựng mô hình riêng biệt để phục vụ các lĩnh vực đặc thù, nhiều khu công nghiệp đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh. Gần đây, TP.HCM bắt đầu nhân rộng mô hình Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC). Đây là loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, phục vụ doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin...
Nền tảng cho quyết định này là sau 15 năm phát triển, QTSC đã tạo ra hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư do đã tạo ra một thương hiệu có uy tín lớn.
Theo Ban quản lý QTSC, tỷ lệ lấp đầy của QTSC đạt 86%, và trong vòng 15 năm đã tạo ra doanh thu tích lũy gần 1 tỷ USD, với năng suất lao động đạt 18.000 - 20.000 USD/người/năm. Ước tính cứ 1 USD bỏ ra đầu tư hạ tầng thu hút được 32,64 USD vốn của nhà đầu tư. Trong định hướng phát triển, QTSC sẽ xây dựng QTSC 2 là trung tâm sáng tạo công nghệ.
Trong khi TP.HCM vẫn đang tính toán nhân rộng thương hiệu QTSC thì khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã đi rất nhanh, phát triển thành một chuỗi với 5 khu công nghiệp ở cả 3 miền đất nước.
Sau 20 năm hoạt động, VSIP trở thành một thương hiệu đáng tin cậy, đã thu hút 690 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7,1 tỷ USD, tạo ra khoảng 180.000 việc làm cho người lao động.
Sự thành công của VSIP nhờ vào việc điều hành của Tập đoàn Sembcorp Industries., Ltd, Singapore. Tập đoàn này có mối hợp tác chặt chẽ với nhiều công ty toàn cầu, nhờ đó có khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sembcorp khi đầu tư vào VSIP đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác, phân công đầu tư theo thế mạnh của mỗi doanh nghiệp để cùng phát triển. Các nhà đầu tư của các nước khác vào VSIP có ngay mặt bằng để sản xuất.
Trong cấu trúc sở hữu của Sembcorp hiện lên một tên tuổi lớn của làng đầu tư quốc tế, đó là Temasek Holdings - một cổ đông chiến lược. Temasek Holdings liên kết chặt chẽ với chính phủ nước họ, qua đó đã hỗ trợ rất hiệu quả các nhà đầu tư Singapore làm ăn ở nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam được hưởng lợi từ các ưu đãi đầu tư và mở rộng cứ địa sản xuất, nơi đất đai tại Singapore không còn đủ. VSIP đã thụ hưởng các đặc quyền này để đón nhận doanh nghiệp Singapore vào hoạt động tại các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Theo Doanhnhansaigon