Tuy nhiên, trước biến động lớn về tỷ giá VND/USD, có tín hiệu cho thấy NHNN đã bắt đầu tính toán lộ trình “siết”cho vay với nhiều đối tượng, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chuộng vay
Cửa vay ngoại tệ lẽ ra phải khép vào 31/12/2017, nhưng khi đó, trước đề nghị khẩn thiết của các hiệp hội và DN xin gia hạn để tránh cú sốc vay trả, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc và quyết định lùi thêm 1 năm (đến 31/12/2018).
Thực tế, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I năm nay của các ngân hàng đều cho thấy, dù huy động USD giảm nhưng cho vay lại tăng mạnh. Đơn cử: Tại BIDV, tiền gửi bằng USD giảm 6,05%, cho vay bằng USD tăng 4,01% so với đầu năm, đạt 96.790 tỷ đồng. Tại ACB, tiền gửi bằng USD giảm 8,99%, còn cho vay tăng 8,19% so với đầu năm, đạt 9.570 tỷ đồng.
Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng cho vay ngoại tệ trên 10%, như MB huy động bằng USD giảm 6,1%, cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 11,9% so với cùng kỳ, đạt 24.056 tỷ đồng. LienVietPostBank có lượng tiền gửi bằng USD giảm 14% so với đầu năm, nhưng cho vay tăng mạnh đến 17,% so với đầu năm, đạt 5.900 tỷ đồng. Trong quý I, Vietcombank dù lượng tiền huy động tăng trưởng mạnh nhưng cho vay VND chỉ tăng 5,3%, chiếm 83,2% tổng dư nợ trong khi đó cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng 11,5% so với đầu năm, chiếm 16,8% tổng dư nợ cho vay.
Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2018, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,1% thì tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng 8%. Tăng trưởng cho vay ngoại tệ cũng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng bằng VND (5,6%). Nguyên nhân chính là NHNN đồng ý tiếp tục gia hạn cho các DN vay ngoại tệ ngắn hạn cho đến hết năm 2018. Đánh giá của giới quan sát, với sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ hưởng lợi lớn hơn.
Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn trong khi lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng khá ổn định, phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Nếu vay USD so với VND, nếu tỷ giá biến động trong mức 2-3%, tính ra doanh nghiệp vẫn được lợi.
“Chúng tôi đang tính toán chi tiết xem nếu dừng cho vay thì với đối tượng nào và tác động ra sao, khi tính xong sẽ xem xét cụ thể và cân đối. Tuy nhiên, đến lúc này quy định về cho phép vay doanh nghiệp ngoại tệ tới 31/12/2018 của NHNN vẫn có hiệu lực và thực hiện đúng lộ trình”, đại diện NHNN cho biết
“Siết” bởi sức ép tỷ giá
Từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng thêm khoảng 1,25%. Trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 2,65% giá trị, do các ngân hàng được phép giao dịch ngoại tệ biến động trong biên độ +/-3%. Giá USD trên thị trường tự do cũng nhích lên mức 23.560 đồng/USD bán ra. Dự báo của các tổ chức kinh tế cho thấy, từ nay đến cuối năm nhiều khả năng đồng USD sẽ tăng thêm 1% - 3%, tương đương tỉ giá sẽ bật lên mức 23.300-23.700 VND/USD.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 13/8, một đại diện NHNN thừa nhận cơ quan này đang xem xét và tính toán xem việc dừng cho vay này sẽ áp dụng với các đối tượng nào cho phù hợp. Có nên "siết" cho doanh nghiệp vay ngoại tệ tại thời điểm này? Theo bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn LienVietPostBank, việc NHNN thực hiện chủ trương theo lộ trình đã công bố chắc sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, với những DN có dự án đầu tư nước ngoài có vay và có nguồn thu trả ngoại tệ thì việc "siết" sẽ khó diễn ra, bởi những DN đó họ đã có hợp đồng tín dụng giải ngân rồi. Khả năng "siết" có thể tập trung vào những DN xuất nhập khẩu đã được giới hạn hạn mức.
TS chuyên gia ngân hàng Phan Minh Ngọc phân tích: về nguyên tắc, kể cả những DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD cũng không nên được phép vay bằng USD nữa. Hơn thế, để đảm bảo công bằng họ phải bán USD thu được từ xuất khẩu cho ngân hàng, NHNN nên quy định rõ ràng và sẵn sàng cung ứng đủ USD đáp ứng nhu cầu USD dùng cho nhập khẩu chính đáng của họ khi có yêu cầu.
Theo Tiền Phong