Trong một thập kỷ qua, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã không ngừng phát triển. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2017 đã có gần 4.000 thương vụ mua bán, sáp nhập và hợp nhất có tổng trị giá trên 48,8 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, vào năm 2017, với việc công ty ThaiBev của Thái Lan đầu tư 4,8 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần của công ty Sabeco, giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam tăng vọt và đạt mức kỷ lục, lên tới 10,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, sự thành công của thương vụ Sabeco là một bước ngoặt lớn nhưng chỉ riêng thương vụ này thì chưa đem lại sự lạc quan cho toàn bộ thị trường. Nếu loại trừ sự đột biến về giá trị của thương vụ ThaiBev – Sabeco thì quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình khá, với những khó khăn và hạn chế vẫn còn tồn tại trong một vài năm qua.
Tại tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, ông Đặng Xuân Minh, tổng giám đốc công ty AVM Việt Nam cho biết so với khu vực, quy mô thị trường M&A của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, chỉ tương đương với các thị trường như Malaysia, Indonesia…; vẫn ở khoảng cách xa so với giá trị 78,6 tỷ USD của Singapore.
Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5 – 6 triệu USD, các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ.
Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường M&A Việt Nam với số liệu năm 2017 cho thấy tỷ trọng lên đến 91,8%, trong khi nhà đầu tư trong nước mua chỉ thực hiện 8,2%. Trong sáu tháng đầu năm nay, tỷ trọng các thương vụ do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đã đạt gần 18% song vẫn còn quá ít ỏi so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này cho thấy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vẫn còn ít, ở quy mô nhỏ và chưa được hưởng lợi nhiều từ các thương vụ M&A. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn từ 20 – 100 triệu USD và tỷ trọng các thương vụ ở quy mô này có xu hướng gia tăng trong một vài năm qua.
Dự báo thị trường năm 2018 của nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) cho thấy, giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017 do năm nay chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco. Tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với năm 2017 nếu không có Sabeco.
Với kịch bản này, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 6,5 – 6,9 tỷ USD; tương đương tăng 15,3% so với 2017 - không có Sabeco, bằng 58,8% so với giá trị M&A 2017 – có Sabeco. Như vậy với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong bốn năm 2015 - 2018.
M&A ngành nào sẽ lên ngôi?
Nếu năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng, tiếp theo đó là ngành bất động sản và tài chính – ngân hàng. Sang nửa năm đầu 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế, tiếp đến là tài chính ngân hàng và sản xuất công nghiệp.
Như vậy, có thể đánh giá, những ngành đang được quan tâm nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Việt Nam.
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A.
Với một lực lượng dân số trên 90 triệu dân, đang trong giai đoạn vàng, đánh giá của MAF cho thấy các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng rất được quan tâm.
Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hoá. Tuy nhiên, sự thâm nhập vào thị trường tiềm năng này qua lĩnh vực M&A có thể bị giới hạn do số lượng các mục tiêu có thể đầu tư hoặc mua lại.
Ngành thực phẩm, đồ uống cũng tăng trưởng mạnh và có triển vọng rất lớn. Bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp gia tăng chuỗi giá trị thông qua M&A, các doanh nghiệp lớn như Habeco, Vinamilk vẫn là còn chỗ trống cho các nhà đầu tư ngoại và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu và Thái Lan.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Một trong những thương vụ M&A đang được thị trường chờ đợi là HDBank nhận sáp nhập PGBank.
Các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản hướng tới các dự án ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm. Lĩnh vực này đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Chưa minh bạch thông tin là yếu tố cản trở M&A tại Việt Nam
Dù cơ hội vẫn được đánh giá là nhiều tại Việt Nam song các chuyên gia nhận định, thách thức và những khó khăn cũng còn không ít để có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch; việc tiếp cận thông tin cũng khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu trong khi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao khi chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp trong khi hiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.
Sự khó khăn trong việc hoà nhập văn hoá cũng là vấn đề lớn quyết định đến thương vụ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý của người nước ngoài.
Đặc biệt, đa số các doanh nghiêp Việt vẫn kỳ vọng bán được giá cao khi gặp đối tác nước ngoài đã làm cản trở đến M&A tại Việt Nam do hai bên không thống nhất được giá.
Để thúc đẩy dòng vốn chảy vào thị trường M&A, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có thêm nguồn hàng tốt cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch hơn về tình hình tài chính nói riêng và thông tin doanh nghiệp nói chung để nhà đầu tư có thể nắm bắt.
Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư M&A cần được nhanh chóng hoàn thiện để tháo gỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu, quy hoạch, thuế... cho các giao dịch M&A.
Theo The Leader