Những lùm xùm tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp: Ai đứng sau “thao túng” công tác thành lập Hội đồng trường?

Là ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 70 năm lịch sử trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo nhưng nhiều năm qua, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp không thể kiện toàn được Ban chấp hành Đảng uỷ, Ban giám hiệu, bổ nhiệm Hiệu trưởng và thành lập Hội đồng trường...

Không phê duyệt Hội đồng trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo hồ sơ phóng viên có được, để thực hiện Công văn số 89 ngày 26/02/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc ra soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý và thành lập Hội đồng trường, Hội đồng đại học năm 2019, ngày 15/5/2019, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (ĐHMTCN) đã chính thức có Đề án số 179 về việc thành lập Hội đồng trường giai đoạn 2019 – 2024 và Tờ trình 180 về việc đề nghị Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT phê duyệt đề án thành lập Hội đồng trường và chức danh Chủ tịch Hội đồng trường ĐHMTCN. Tại đề án, tờ trình này, Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo ĐHMTCN đã thống nhất, giới thiệu PGS, TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng Phụ trách làm Chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Nhiều năm qua, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp không thể kiện toàn được Ban chấp hành Đảng uỷ, Ban giám hiệu, bổ nhiệm Hiệu trưởng và thành lập Hội đồng trường
Nhiều năm qua, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp không thể kiện toàn được Ban chấp hành Đảng uỷ, Ban giám hiệu, bổ nhiệm Hiệu trưởng và thành lập Hội đồng trường

Vậy nhưng, không hiểu sao, sau khi nhận được các văn bản nói trên Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT lại im hơi lặng tiếng, không có bất cứ văn bản nào phản hồi đồng ý hay không đồng ý với những văn bản của ĐHMTCN đã báo cáo trước đó. Việc làm này của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã vô tình loại bà Đặng Mai Anh khỏi chức danh Chủ tịch Hội đồng trường ĐHMTCN. Bởi đến ngày 19/6/2019, bà này đã bước sang tuổi 51. Theo quy định, để bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng trường thì đối tượng được bổ nhiệm phải còn đủ nhiệm kỳ công tác tối thiểu 5 năm.

Điều khó hiểu là, đến ngày 01/10/2019, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT bất ngờ có công văn số 526 yêu cầu ĐHMTCN thực hiện công văn 89 của cơ quan này về việc kiện toàn, thành lập hội đồng trường, báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT trước ngày 30/11/2019.

Cần phải nói thêm rằng, tính đến trước ngày 01/07/2019 - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34 có hiệu lực thi hành, thì việc thành lập Hội đồng trường tại các trường đại học vẫn đang áp dụng theo Luật Giáo dục Đại học số 08/2012. Chiếu theo Khoản 4, Điều 16 của bộ luật này thì việc bổ nhiệm “Chủ tịch Hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường như tiêu chuẩn của Hiệu trưởng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này”.

Đề án 179 và Tờ trình số 180 bị Ban CSĐ Bộ GD&ĐT “lãng quên”
Đề án 179 và Tờ trình số 180 bị Ban CSĐ Bộ GD&ĐT “lãng quên”

Sự việc này, đến nay vẫn khiến tập thể người lao động của ĐHMTCN tỏ ra rất bất bình về sự tắc trách của các cơ quan có thẩm quyền trong việc không phê duyệt đề án, tờ trình kiện toàn Hội đồng trường ĐHMTCN. Dư luận đang tự đặt câu hỏi, ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc không phản hồi Tờ trình, Đề án 179 thành lập Hội đồng trường ĐHMTCN dẫn đến đối tượng bổ nhiệm bị quá tuổi?

Cần làm rõ tư cách, trách nhiệm của tập thể, cá nhân

Sau khi thực hiện đề án 179 nói trên không thành, tập thể lãnh đạo ĐHMTCN liên tiếp nhận được nhiều sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc yêu cầu trường thực hiện việc thành lập Hội đồng trường theo quy định. Trước sức ép của lãnh đạo cấp trên, ngày 24/12/2019, ĐHMTCN đã ban hành đề án số 705 thành lập Hội đồng trường. Tuy nhiên, vì lý do chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học số 34/2018 nên đề án không thực hiện được.

Tiếp đó, đến ngày 05/06/2020, ĐHMTCN ban hành đề án 189 kế thừa đề án 705 về việc thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó bổ sung các quy định theo Nghị định 99 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật GDĐH 34.

Sau khi đề án này được chấp thuận, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quy trình bầu Hội đồng trường theo quy định. Ngày 15/06/2020, ĐHMTCN chính thức thực hiện đề án 189 và bầu ra 12 người là thành viên hội đồng trường gồm: 6 người là giảng viên; 1 người đại diện viên chức hành chính và người lao động; 05 người là đại diện cộng đồng xã hội.

Điều nghịch lý là, với vai trò là Phó Hiệu trưởng phụ trách và là người duy nhất nằm trong Ban giám hiệu ĐHMTCN thì bà Đặng Mai Anh lại không thuộc diện “phần cứng” nằm trong Hội đồng trường theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16 của Luật GDĐH số 34. Điểm đáng lưu ý nữa là, tính tại thời điểm tháng 08/2018 đến nay, Ban giám hiệu ĐHMTCN chỉ có duy nhất bà Đặng Mai Anh nằm trong Ban giám hiệu với chức vụ Phó Hiệu trưởng Phụ trách. Câu hỏi đặt ra là, với tư cách là Phó Hiệu trưởng Phụ trách và cũng là thành viên duy nhất nằm trong Ban giám hiệu ĐHMTCN thì bà Đặng Mai Anh có đủ điều kiện trở thành thành viên Hội đồng trường theo quy định của Luật GDĐH số 34 nói trên!?

Để hoàn tất quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng trường, ngày 18/6/2020, tại Hội nghị lần I, Hội đồng trường ĐHMTCN đã thống nhất bầu Thạc sỹ Bùi Trung Dũng – Uỷ viên BCH Đảng bộ, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Công tác bầu cử Hội đồng trường có hành vi gian lận phiếu bầu từ 127 phiếu thành 144 phiếu nên không được phê duyệt
Công tác bầu cử Hội đồng trường có hành vi gian lận phiếu bầu từ 127 phiếu thành 144 phiếu nên không được phê duyệt

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ trưởng và Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT thì cũng là lúc xuất hiện lá đơn kiến nghị của tập thể, cán bộ, viên chức, đảng viên phản ánh về quy trình thành lập Hội đồng trường có nhiều điểm mờ ám trong các đề án và gian lận trong việc kiểm phiếu với 6 nội dung:

“1. Hiện nay có 2 đề án thành lập Hội đồng trường… Vậy hội nghị bầu các thành viên Hội đồng trường theo đề án nào?; 2. Trong nội dung đề án có nhiều điểm trái với quy định của pháp luật, quy định Chủ tịch Hội đồng trường có trình độ thạc sỹ, quy định cơ cấu khối giảng viên, khối viên chức và người lao động, đặc biệt là quy định về cơ chế bầu cử?; 3. Hội nghị đã lấy nguồn giới thiệu nhân sự tại các đơn vị tham gia thành viên Hội đồng trường từ tháng 12/2019 (nghĩa là đề án 705), nhưng lại áp dụng cho đề án tháng 06/2020 (đề án 189) là không đúng quy định?;….

5. Tập thể cấp uỷ nhà trường mà trực tiếp là ông Trần Bá Tăng, người đứng đầu Cấp uỷ có quá nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ nên không thể tham gia Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025? Đặc biệt là Đại hội Đảng bộ nhà trường tổ chức ngày 22/06/2020 đã không được Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phê duyệt cho bầu BCH khoá mới…; 6. Trong công tác bầu cử Hội đồng trường có hành vi gian lận phiếu bầu tại vòng 1. Khi Trưởng ban kiểm phiếu công bố phiếu phát ra là 127 nhưng khi kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu lại phát sinh them 17 phiếu với tổng số phiếu là 144? Vậy 17 phiếu bầu được lấy từ đâu ra? Ai là người bỏ thêm vào?”.

Ngoài những nội dung phản ánh nêu trên, mới đây nhất phóng viên còn nhận được phản ánh từ người lao động về việc ông Bùi Trung Dũng – Uỷ viên BCH Đảng uỷ, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo khai man lý lịch Đảng viên.

Trước những kiến nghị nêu trên và căn cứ vào báo cáo của tập thể lãnh đạo ĐHMTCN, ngày 14/08/2020 Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã có công văn số 327 không đồng ý công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường ĐHMTCN nhiệm kỳ 2020 – 2025… Đề nghị ĐHMTCN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót trong việc xây dựng và thực hiện quy trình thành lập Hội đồng trường tổ chức ngày 15/06/2020”.

Thành lập Hội đồng trường “thần tốc”, liệu có khả thi?

Trước những lùm xùm nêu trên, ngày 29/09/2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã ký quyết định số 2827 về việc thanh tra hành chính ĐHMTCN với nội dung “Thanh tra việc thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, trách nhiệm người đứng đầu về ctac tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu tố đối với ĐHMTCN. Thời kỳ thanh tra từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2019. Trường hợp cần thiết mở rộng phạm vi trước kì thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra (dự kiến việc thanh tra sẽ bắt đầu từ ngày 12/10/2020).

Quyết định thanh tra toàn diện 45 ngày đối với ĐHMTCN và văn bản chỉ đạo thành lập Hội đồng trường “thần tốc”, liệu có khả thi?
Quyết định thanh tra toàn diện 45 ngày đối với ĐHMTCN và văn bản chỉ đạo thành lập Hội đồng trường “thần tốc”, liệu có khả thi?

Trong bối cảnh đã có quyết định thanh tra 45 ngày và còn chưa xem xét các tập thể cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc bầu Hội đồng trường vào ngày 15/06/2020 thì bất ngờ ngày 06/10/2020, Vụ trưởng Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT Trần Văn Thịnh tiếp tục ban hành công văn số 424 với nội dung:

“… Tập thể lãnh đạo ĐHMTCN (trực tiếp là đồng chí Đặng mai Anh, Phó Hiệu trưởng Phụ trách và đồng chí Trần Bá Tăng – Phó Bí thư Đảng uỷ phụ trách) phải tổ chức ngay việc thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước để trình Bộ trưởng, Ban Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT xem xét, công nhận trước ngày 15/10/2020, kiện toàn lãnh đạo trường trước ngày 15/11/2020…

Tập thể lãnh đạo trường ĐHMTCN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng việc thành lập HĐT và kiện toàn lãnh đạo, quản lý nhà trường kéo dài, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/10/2020…”.

Theo ý kiến của các chuyên gia pháp luật, việc Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT ban hành thong báo 424 ngày 06/10/2020 yêu cầu ĐHMTCN thực hiện thành lập Hội đồng trường “thần tốc” trong vòng có 9 ngày (chưa tính việc đến ngày 09/10/2020 ĐHMTCN mới nhận được văn bản này) liệu có khả thi?

Để những lùm xùm nêu trên sớm được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân tắc trách, mắc sai phạm và sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho ngôi trường này. Dư luận đang rất cần sự chỉ đạo, thanh tra làm rõ của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các cơ quan có thẩm quyền.

Với thực trạng nhức nhối nêu trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (phụ trách công tác thanh tra, giải quyết khiếu tố) nhưng vị Thứ trưởng này viện lý do bận họp không tiếp báo và nghe điện thoại được.

Không gặp được lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD&ĐT. Theo đó, chiều ngày 30/09/2020, ông Lộc đã giao cho Chuyên viên Vụ TCCB Hoàng Văn Hiếu và bà Bùi Minh Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục tiếp nhận những nội dung trao đổi của phóng viên. Tại buổi làm việc này, phóng viên đã trao đổi toàn bộ những nội dung liên quan đến ĐHMTCN và đề nghị 2 cán bộ này báo cáo lại với lãnh đạo các cấp của Bộ GD&ĐT, đồng thời có văn bản phúc đáp lại cho Thương gia. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ sự phản hồi nào từ Bộ GD&ĐT.

Thương gia sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này./.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…