A Hồ là một trong bốn người dân bản địa giúp chúng tôi leo núi ngày hôm đó. Giới leo núi đường dài, hay trekking, thường gọi họ với cái tên tiếng Anh: Porter.
Người đồng hành giản dị
Tối đó, chàng trai 23 tuổi cùng ba người còn lại nấu bữa cơm thơm lừng cho đoàn leo núi tại ngôi lán ở độ cao 2.600 mét. Họ gom rác mang xuống núi, hay đốt chai nhựa tại chỗ, không làm vấy bẩn thiên nhiên.
Mỗi chuyến đi chinh phục ngọn núi trong biển mây này thường kéo dài hai ngày. Bạn bắt đầu từ sáng hôm trước, ăn trưa nhẹ trên lưng chừng núi và tới lán lúc chiều muộn. Sau một đêm nghỉ ngơi, bạn sẽ leo lên đỉnh từ 4h sáng để ngắm bình minh và thiên đường mây dưới thung lũng.
Tôi tự hỏi nếu không có những porter khỏe mạnh thông thạo núi, chúng tôi sẽ cạn sức vì tìm đường và thồ vác lều trại đến thế nào. Cả đoàn thanh niên 12 người tuy trai tráng nhưng chỉ có vài thành viên từng quen leo núi.
Lảo Thẩn nổi lên là chốn thần tiên cho dân săn mây từ năm 2015. Hồi ấy, chưa có dịch vụ dẫn đường của dân bản địa nào cả. Nhìn thấy một con đường kiếm sống, nhà A Hồ tự mình giúp khách và xây lán. Dần dần, các công ty tour ở Sa Pa và Hà Nội tìm đến, kết hợp với gia đình làm tour chuyên nghiệp.
Tại điểm khởi đầu, nhà tour và nhà A Hồ trao cho khách nước đóng chai, găng tay và áo mưa. Ai nấy đều thấy ấm áp với vẻ chu đáo của các anh porter, dù 10 giờ sáng miền núi vẫn còn chút lạnh vương lại.
Dựng lán phát triển du lịch
Gia đình bốn anh em, chú cháu bắt đầu làm người dẫn đường được hơn một năm nay. Quê họ, bản Phìn Hồ ở Y Tý, vốn nức tiếng là nơi dân du lịch lui tới săn mây. Ấy vậy sao kinh tế nơi đây vẫn khó khăn.
Đầu năm 2017, A Cu, A Khoa, A Hoa và người cháu A Hồ bắt đầu nghĩ cách kiếm sống nghiêm túc với nghề du lịch. Thay vì dẫn đường manh mún, nhỏ lẻ, họ mang gỗ từ dưới núi lên xây ngôi lán ở cách đỉnh Lảo Thần gần 250 mét. Ngôi lán rộng 70 mét vuông không điện nhưng đủ cho hơn 20 khách ngủ qua đêm trong hành trình leo núi hai ngày. Khách lẻ tới đó, họ thu 70.000 đồng cho một đêm.
Họ mang ống dẫn nước từ trên suối núi xuống. Khi đã xong xuôi, mỗi người thồ 20kg chăn bông từ dưới chân núi lên. Sau đó là những chiếc gối, tấm giữ nhiệt, nước đóng chai và bia. Toàn bộ công đoạn ấy ngốn hết 5 tháng. Họ là những người đầu tiên làm du lịch đi lên từ cộng đồng nghiêm túc tới vậy ở Lảo Thẩn.
Mấy năm trước, chẳng ai ngờ làm dẫn đường leo núi lại mang về thu nhấp tốt. Cả 74 hộ người Mông ở bản đều sống tự cung tự cấp. Họ chăn lợn, gà, bò, họ làm ruộng trên đồi đã cả đời nay. Đến mùa, họ đi hái xuyên khung mang bán cũng chỉ được 35-40 triệu đồng cho một năm.
A Cu bảo tôi: “Nếu không làm porter, anh chỉ có làm nông nghiệp hoặc không làm gì cả. Bây giờ làm dẫn đường là thu nhập chính. Kiếm tiền từ nghề này cũng vui lắm”.
Phìn Hồ có nhiều núi đẹp, nhưng nằm quá xa các trung tâm làm ăn. Nơi này chưa được chú ý phát triển, chứ nói gì tới đầu tư cho du lịch. Con đường đèo nối bản với tỉnh lộ đã được trải bê tông, nhưng không hiểu sao gần đây lại bị phá một phần. Nhiều đường trong xã xấu lắm.
“Em nói với xã làm đường cho bọn em, nhưng vẫn chưa có. Bọn em đi lại khó khăn quá”, A Hồ than thở. “Nhưng mong là nhờ việc làm porter này chúng em được quan tâm nhiều hơn”.
Có tiền nhờ làm du lịch cộng đồng, họ mua điện thoại và quần áo mới. Họ không dừng chân. Cả nhà đã tái đầu tư để làm dẫn đường và xây lán thêm trên các núi Bạch Mộc, Nhìu Cồ San và Chung Nghé Vú cạnh đó.
Hoàng Trung là hướng dẫn viên hôm ấy. Mùa thu năm ngoái, công ty của cậu lên Lảo Thẩn khảo sát và lập tức nắm lấy nhà A Hồ để kết hợp khai thác tour leo núi.
Trung kể nhiệt huyết: “Bọn em hướng dẫn đồng bào dân tộc cách phục vụ khách du lịch, dạy họ cách hiểu tâm lý khách, thậm chí là cách chụp ảnh bằng điện thoại cho đẹp”.
Cứ hai tuần, công ty của Trung lại đưa khách lên Lảo Thẩn. “Hợp tác có lợi cho cả hai. Chúng em giúp họ tổ chức, nhưng ý chí làm là do tự họ”.
Mô hình người Mông địa phương làm dẫn đường không còn mới. Nhưng ở Phìn Hồ, nó là một lối ra mới. Giờ đây, một nhân vật có tiếng làm du lịch ở Y Tý là A Hờ cũng dựng lán cách chỗ A Cu có 20 phút đi bộ. Không phải hộ nào cũng có lực để đón đầu trào lưu leo núi đang nóng trong giới trẻ ưa dịch chuyển.
Nhìn sự tận tâm thật thà của A Cu hay A Hồ, tôi hiểu họ đã bước ra khỏi cái vòng an toàn làm nông, thêu vải vốn ăn sâu vào người Mông nhưng không làm họ khấm khá.
Sáng ngày thứ hai, mặt trời ló vẽ nên một khung cảnh mê hoặc trước mắt tôi: Cả một biển mây dưới vách núi. Đứng ngắm trên đồi cách lán vài chục mét không thôi rung động trái tim, tôi nghe tiếng em A Sếnh ngay phía sau: “Em mời anh ăn táo”.
Cậu bé 14 tuổi, cháu của A Cu, lần ấy đi theo giúp mọi người. A Sếnh mang đồ tráng miệng sau bữa sáng cho tôi từ dưới lán lên. Giữa miền xa xôi ấy, chút tận tình dù nhỏ nhưng như làm tôi quên đi đôi chân nhừ mỏi vì leo suốt cả hôm qua.
Có thể làm porter chỉ là nghề trước mắt. Có thể dẫn đường không lãi bằng làm nhà nghỉ dưới thị trấn. Nhưng làm du lịch từ chính cộng đồng của mình là một niềm vui kiếm sống mà không khiến họ xa quê. Tại núi Lảo Thẩn và bản Phìn Hồ, họ là số ít. Một ngày kia du lịch được quan tâm hơn ở đây, những người tiên phong sẽ đưa bản làng khấm khá hơn.
Theo Lao động