Theo báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân thế giới năm 2022 (World Nuclear Industry Status Report 2022), sản lượng điện hạt nhân toàn cầu đã tăng 3,9% vào năm 2021.
Báo cáo trên cũng cho biết, trên thế giới có 33 quốc gia hiện đang vận hành các lò phản ứng điện hạt nhân nhưng chỉ có 15 quốc gia được liệt kê là vẫn tích cực theo đuổi công nghệ này. Trong đó, có cả những quốc gia mới tham gia năng lượng hạt nhân năm 2020 là Belarus và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trung Quốc là quốc gia có năng lượng hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới, đây cũng là một trong những quốc gia trẻ trong việc tham gia phát triển năng lượng hạt nhân.
Đất nước tỷ dân này đã sử dụng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 1990 và thời điểm hiện tại đang vận hành 55 lò phản ứng hạt nhân. Phần lớn trong số đó đã cung cấp sản lượng điện vào lưới điện của nước này chỉ trong 10 năm qua.
Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là thành trì năng lượng hạt nhân lớn nhất toàn cầu, tính đến tháng 7/2022, nước này có 92 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, giảm 12 lò phản ứng kể từ năm 2011. Bất chấp sự suy giảm, các lò phản ứng hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn đang hoạt động.
Cũng như các lò phản ứng hạt nhân của Hoa Kỳ, các lò phản ứng của Nhật Bản cũng đã giảm 38 lò phản ứng từ năm 2011 cho tới nay. Hiện tại, Nhật Bản có 10 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Một số ý kiến cho rằng, Nhật Bản sẽ sớm chính thức từ bỏ việc xây dựng những lò phản ứng hạt nhân mới.
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có 3 quốc gia có lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa tất cả các lò phản ứng. Đó chính là: Italia đóng cửa từ năm 1987, Kazakhstan năm 1998 và Litva năm 2009.
Trước đó, Đức đã từng mở rộng việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhưng, thời điểm hiện tại, quốc gia này đang có những kế hoạch nhằm chấm dứt sản xuất năng lượng hạt nhân vào năm 2023.
Báo cáo cũng nêu, có 411 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, con số này ít hơn 26 lò phản ứng so với năm 2011.
Trong đó bao gồm 29 lò phản ứng đang được lưu trữ dài hạn và 53 lò phản ứng đang được xây dựng. Đặc biệt, hơn một nửa số lò phản ứng trong 53 lò được xây dựng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Điện hạt nhân đang dần trở thành một nguồn năng lượng toàn cầu, nguyên nhân bởi sự phát triển nhanh chóng của nguồn năng lượng tái tạo. Cùng với đó là tâm lý tiêu cực của con người đối với năng lượng hạt nhân, đặc biệt là các thảm họa ở Chernobyl (Ukraina) hoặc Fukushima (Nhật Bản).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã trì hoãn hoặc từ bỏ chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân hơn là mở rộng chúng. Vì vậy, năng lượng hạt nhân đang trải qua sự suy giảm ở mức độ chậm, năm 1996, tỷ lệ năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện toàn cầu là 17,5%, đây là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 9,8%.
Tại Việt Nam, dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016. Hiện, nước ta chưa có chủ trương phát triển điện hạt nhân, nhưng sau cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP 26 về giảm phát thải ròng về 0, loại năng lượng này đang được giới chuyên gia về năng lượng nhắc tới nhiều.