Những vấn đề cần giải quyết của "Siêu uỷ ban" khi gần sát giờ G

Trong quý 3 năm nay, Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể được thông qua.
Những vấn đề cần giải quyết của "Siêu uỷ ban" khi gần sát giờ G

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hay còn được biết đến dưới một cái tên khác: "siêu uỷ ban". Bởi lẽ, đơn vị này dự kiến quản lý một nguồn lực rất lớn.

Cần đổi mới cơ chế giám sát "siêu uỷ ban"

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về cách thức tổ chức và trách nhiệm giải trình của Uỷ ban trong bối cảnh cơ chế giám sát hiện hành bị xem là thiếu hiệu lực, kém hiệu quả.

Cơ chế giám sát yếu được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2016, tỷ trọng doanh nghiệp thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 có đến 23/91 tổng công ty, tập đoàn, công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng. Đầu tư ngoài ngành của đơn vị này cũng có đến hàng chục nghìn tỷ đồng chưa thu hồi được.

Để lịch sử không lặp lại, phía CIEM đề nghị cần đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo ông Trung, có 4 đề xuất cần được áp dụng đối với những đơn vị nắm trong tay tài sản của nhà nước.

Thứ nhất, cần xây dựng big data, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu.

Dữ liệu thông tin theo đó phải trở thành nguồn lực quan trọng nhất để quản trị DNNN. Ông Trung cho biết nguồn dữ liệu này sẽ giúp cho quyết định quản lý của Uỷ ban quản lý vốn và các cơ quan chủ sở hữu đúng đắn hơn, nhanh hơn, chất lượng và hiệu quả hơn.

Trí tuệ nhân tạo (AI), thậm chí cũng được áp dụng cho công tác dự báo và ra quyết định, theo ông Trung.

Thứ hai là cần áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị DNNN. Trong đó, ông Trung cho biết nhấn mạnh đến việc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp và có chỉ tiêu đánh giá rõ ràng. Việc theo dõi phải thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản trị rủi ro trong giám sát.

Thứ ba là tập trung quyền sở hữu gắn với tập trung trách nhiệm mà theo ông Trung là đảm bảo đúng quy định của Luật số 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).

Uỷ ban hay cơ quan chủ sở hữu có thể mời hoặc tham khảo ý kiến của bộ liên quan nhưng phải chịu trách nhiệm toàn diện cuối cùng về việc quản lý, giám sát.

Thứ tư là phải làm rõ cơ chế giám sát uỷ ban, cơ quan chủ sở hữu. Theo đó, Chính phủ cần giao các chỉ tiêu hàng năm để làm căn cứ giám sát, đánh giá. Ngoài ra, các thông tin về hoạt động của uỷ ban, cơ quan chủ sở hữu cần được minh bạch, công khai.

Muốn thành công, đừng cứng nhắc

Góp ý thêm đối với câu chuyện siêu uỷ ban đang dần tiến về giờ G, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói rằng đơn vị này vẫn đang bị áp tư duy "quan chức, viên chức" một cách cứng nhắc.

Ông Cung giải thích rằng Uỷ ban quản lý vốn cần phải được xem là một nhà đầu tư, không phải là một cơ quan quản lý nhà nước - như tên gọi của nó, do vậy, cần áp dụng những quy tắc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, đánh giá một cách khác biệt với cơ quan hành chính khác.

"Điều kiện để đơn vị này hoạt động tốt là đừng áp quy chuẩn công chức vào. Như hiện nay là cứng nhắc", Viện trưởng CIEM bình luận.

Bên cạnh đó, cách quản lý đầu tư, theo ông Cung nên là "impossible game". Nghĩa là giao nhiệm vụ rất cao, buộc những người đứng đầu phải tìm ra phương án để đạt được mục tiêu.

"Nếu giao chỉ tiêu tăng chỉ 1 – 2%, thì quá dễ dàng", ông nói và cho biết sẽ khiến người đứng đầu đi theo phương thức truyền thống, "phải là tăng vài chục lần, chẳng hạn vậy".

Viện trưởng CIEM cũng nói thêm rằng để có bước ngoặt, còn cần củng cố hệ thống chỉ tiêu đánh giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Cung cho rằng không thể quá cầu toàn, cần phải làm, theo đó, dần dần có kinh nghiệm để sửa chữa.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...