Là lục địa với 54 quốc gia khác nhau, châu Phi có rất nhiều điều để cùng nhau khám phá, từ những kỳ quan Ai Cập huyền bí, những sa mạc trải dài, một đất nước Nam Phi sôi động hay nhiều danh lam thắng cảnh đa dạng như chính thế giới động vật hoang dã nơi đây. Không ít người đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của châu lục này và mong muốn một lần được đặt chân đến nơi đây nhằm chiêm ngưỡng những điều “thú vị nhất”.
KHU ĐỊNH CƯ FONTAINHAS
Fontainhas là một khu định cư ở phía bắc đảo Santo Antão, Cape Verde.
Khu định cư này nằm gần bờ biển phía bắc nhiều đá của đảo, cách Ponta do Sol 2km về phía tây nam và cách thủ phủ đảo Porto Novo 19km về phía bắc. Khu định cư này bao gồm các ngôi làng nhỏ hơn là Corvo và Forminguinhas, cách Fontainhas khoảng 1km về phía tây.
Ngôi làng miền núi nhỏ mang tính biểu tượng Fontainhas nằm ở vùng núi trên đảo Santo Antão, Cape Verde. Đất nước Cape Verde là một quần đảo gồm các đảo núi lửa ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của lục địa châu Phi. Đất nước này không có người ở cho đến thế kỷ 15 khi những người định cư Bồ Đào Nha xâm chiếm quần đảo.
BÃI BIỂN TRÊN QUẦN ĐẢO NÚI LỬA
Comoros (chính thức là Liên minh Comoros) là một quần đảo núi lửa nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của lục địa châu Phi trong vùng nước ấm của Kênh Mozambique ở Ấn Độ Dương. Dòng dung nham ngoạn mục, động vật hoang dã rực rỡ là một trong những lý do đáp ứng được nhu cầu của nhiều người đam mê thế giới kỳ lạ.
Bãi biển Le Galawa, tọa lạc tại thị trấn Mitsamiouli nằm ở bờ biển phía tây bắc của Grande Comore (hòn đảo lớn nhất của quốc gia Comoros) là viên ngọc ven biển quyến rũ, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bờ cát trắng tuyệt đẹp cùng làn nước trong vắt của Ấn Độ Dương.
Bãi biển này nổi tiếng với cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, mang đến màn trình diễn màu sắc mê hồn khi mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời. Khu vực xung quanh Bãi biển Le Galawa có hệ sinh thái biển phong phú, khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời cho những người yêu thiên nhiên hay đam mê lặn biển.
Làng Mitsamiouli cùng những nhà thờ Hồi giáo lịch sử có nguồn gốc từ Ả Rập là minh chứng cho nền văn hóa và lối sống đích thực của Comoros.
“VIÊN NGỌC XANH” Ở MAROC
Chefchaouen là một thành phố nằm ở dãy núi Riff của Maroc. Nó nổi tiếng với những tòa nhà sơn xanh tuyệt đẹp trong "phố cổ" của thành phố.
Bao quanh bởi các quả núi và toạ lạc trên các quả đồi, thành phố Chefchaouen mang đến một vẻ trầm lắng và yên ắng đến lạ thường. Vẻ đẹp cổ kính, bí ẩn tựa như những câu chuyện cổ tích, Chefchaouen có nét văn hoá đặc trưng cùng cảnh sắc có một không hai.
Được tìm thấy đầu tiên bởi Moulay Ali Ben Moussa Ben Rached El Alami vào thế kỷ 15, Chefchaouen khi ấy trở thành pháo đài trú ẩn cho những người dân Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha. Những người Do Thái đã cho sơn toàn bộ khu thánh địa của mình sang một màu xanh coban sặc sỡ.
“Viên ngọc xanh” Chefchaouen có đặc điểm cảnh quan là những mảng tường sơn xanh đậm ở dưới thấp, nhạt phai dần khi lên cao. Các ô cửa được trang trí, nhấn nhá thêm cho đậm đà, tạo nên một tổng thể tựa như tranh vẽ.
Màu xanh phủ chìm cả thành phố trong sự bình yên. Sắc màu hiện diện trên khắp những mảng tường nhà thờ, con hẻm và nhà dân, khoác lên cho Chefchaouen “tấm áo” mát lành. Chính điều này là sự tương phản, làm nổi bật giữa cái nắng như thiêu, như đốt của châu Phi luôn nóng bừng bỏng rẫy.
Theo những người Do Thái bản địa, màu xanh phản chiếu màu trời, tượng trưng cho sức mạnh của Chúa và có nguồn gốc từ sợi nhuộm tekhelel (một loại nhuộm cổ xưa) dệt nên những khăn choàng nguyện cầu sẽ luôn gợi cho họ nhớ đến đức toàn năng. Những cư dân sinh sống hiện tại ở đây đa phần là người Hồi Giáo và Berber, nhưng truyền thống sơn xanh vẫn được tiếp nối như một nét đặc trưng làm nên vẻ quyến rũ của thành phố.
ĐẠI LỘ BAO BÁP
Đây là những cây Baobab, một loài cây rụng lá có biệt danh là "cây lộn ngược" do thân dày và tán lá chỉ mọc ở phần ngọn. Nằm ở thành phố Morondava (Madagascar), con đường xuyên qua những hàng cây này là một địa điểm đẹp thường được khách du lịch ghé thăm.
Những cây bao báp ở đây lên đến 800 năm, có cây tuổi thọ lên đến 3.000 năm. Ban đầu, những cây này nằm trong khu rừng nhiệt đới rậm rạp, nhưng trải qua nhiều năm, khu rừng nhiệt đới này bị người dân đốn phá, triệt hạ để lấy đất làm nông nghiệp nên hiện nay chỉ còn lại một ít bao báp, có chiều cao khoảng 30m nằm dọc 2 bên đường.
Với thân hình khổng lồ, nhiều nhánh xoắn dọc ngang, bao báp có thể thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất. Mỗi cây bao báp có thể chứa đến 300 lít nước, cho phép cây sống tốt trong một thời gian dài không có mưa. Do hình dạng bất thường mà bao báp được xem là loài cây có bộ rễ mọc ngược lên trời.
Đây không phải là một công viên quốc gia, nó chỉ thuộc trung tâm bảo tồn tự nhiên của địa phương mãi cho đến tháng 7/2007, đại lộ bao báp mới được đưa vào danh sách cần bảo tồn của Madagascar.
NGÔI ĐỀN KIỆT TÁC KIẾN TRÚC VỚI 3.000 NĂM TUỔI
Abu Simbel là khu phức hợp đền thờ cổ đại có từ thế kỷ 13 (TCN - cách đây 3.300 năm) ở phía Nam Ai Cập, bên bờ sông Nile.
Được xây dựng bởi vị pharaoh vĩ đại nhất - Ramesses II, khu phức hợp các ngôi đền bằng đá khổng lồ này đánh dấu ranh giới phía Nam của Đế chế Ai Cập với vùng Nubia khi ở đỉnh cao quyền lực trong thời kỳ Vương quốc mới.
Khu phức hợp gồm 2 ngôi đền, được xem như đài tưởng niệm cho nhà vua Ramesses II và vợ của ông là Nữ hoàng Nefertari. 4 bức tượng canh giữ lối vào là những tác phẩm điêu khắc lớn nhất còn tồn tại từ thời Ai Cập cổ đại.
Sau một thời gian gần như hoàn toàn biến mất khỏi nền văn minh loài người, đền Abu Simbel được nhà thám hiểm người Thụy Sĩ John Lewis Burckhardt phát hiện lại vào năm 1813. Khi ấy, ngôi đền đã bị lãng quên từ lâu, cát sa mạc đã bao phủ tất cả, trừ phần đỉnh của những bức tượng khổng lồ đặt ở trước lối vào.
Kể từ năm 1909, khi cát được dọn sạch, ngôi đền đôi này đã trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng nhất ở phía Nam Ai Cập. Ngôi đền Lớn (Great Temple) dành riêng cho Ramesses II và ngôi đền thứ 2, Ngôi đền Nhỏ (Small Temple), dành riêng cho vợ ông là Nữ hoàng Nefertari.
Đền thờ lớn ở Abu Simbel mất khoảng 20 năm để xây dựng. Còn được gọi là Đền Ramses II, nó được dành riêng cho các vị thần, bao gồm thần Ptah (thần bóng tối), thần Amun-Re (thần Mặt trời), thần Re-Harakti (thần bổn mạng của vua) và chính nhà vua Ramesses II. Nó được coi là lớn nhất và đẹp nhất trong số những ngôi đền được xây dựng dưới thời trị vì của Ramesses II, và là một trong những ngôi đền đẹp nhất ở Ai Cập.
Ngôi đền thứ 2, Đền Nhỏ, thờ nữ thần Hathor và Nữ hoàng Nefertari. Mặt tiền bằng đá của ngôi đền được trang trí bằng 2 nhóm tượng khổng lồ được ngăn cách bởi cổng lớn.
Được biết, khi cho xây dựng ngôi đền lớn, Ramesses II đã yêu cầu các kiến trúc sư cổ đại phải thiết kế làm sao để mỗi năm 2 lần (ngày 22 tháng 2, ngày kỷ niệm Ramesses II lên ngôi và ngày sinh nhật của ông, 22 tháng 10), Mặt trời có thể chiếu thẳng vào những hốc sâu nhất của nó để chiếu sáng bức tượng nhà vua Ramesses II và các vị thần.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ, trong 2 ngày đó, ánh Mặt trời sẽ chiếu vào tượng thần Amun-Re trước rồi từ từ lan sang các tượng kế bên nhưng lại không bao giờ chiếu đến thần Ptah vì ông là thần bóng tối.
Với yêu cầu tưởng chừng như không thể ấy của nhà vua, các nhà hiền triết Ai Cập cổ đại vẫn đáp ứng được một cách xuất sắc. Suốt hơn 3.200 năm qua, khuôn mặt của Pharaoh chỉ được Mặt trời chiếu sáng vào đúng 2 ngày còn bức tượng thần Ptah vẫn chìm trong bóng tối suốt ngần ấy năm.
HỒ TẢO HỒNG
Hồ Retba, còn được gọi là Lac Rose, nằm ở phía bắc bán đảo Cap Vert ở Senegal, cách thủ đô Dakar, phía tây bắc châu Phi khoảng 35km về phía đông bắc.
Nó được đặt tên cho vùng nước có màu hồng do tảo Dunaliella salina gây ra và được biết đến với hàm lượng muối cao, lên tới 40% ở một số khu vực. Loại tảo này tạo ra sắc tố đỏ để hỗ trợ việc hấp thụ ánh sáng, cung cấp năng lượng để tạo hợp chất hóa học ATP. Màu sắc đặc biệt hiện lên rõ thấy trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau) và ít nhìn thấy hơn trong mùa mưa (tháng 7 đến tháng 10).
Muối được xuất khẩu khắp khu vực bởi 3.000 người thu gom từ khắp Tây Phi, những người làm việc 6 - 7 giờ một ngày. Họ bảo vệ làn da của mình bằng beurre de Karité (bơ hạt mỡ), một chất làm mềm được sản xuất từ hạt mỡ giúp tránh tổn thương mô. Muối được ngư dân Senegal sử dụng để bảo quản cá, đây là một thành phần trong nhiều công thức nấu ăn truyền thống, bao gồm món ăn quốc gia, là sự kết hợp giữa cá và gạo gọi là thieboudienne.
Lac Rose đã được UNESCO xem xét là Di sản Thế giới vào năm 2023.
“NÚI MẶT TRĂNG” Ở UGANDA
Rwenzori hay còn gọi là núi mặt trăng, là một dãy núi phía đông xích đạo châu Phi, nằm trên biên giới giữa Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Dãy núi Rwenzori khởi nguồn cho các sông băng và là một trong những nguồn sông Nile, nó đạt độ cao lên đến 5.109m. Đỉnh núi cao nhất của Rwenzori quanh năm phủ tuyết trắng và cùng với núi Kilimanjaro và núi Kenya chỉ tọa lạc ở xích đạo châu Phi.
Dãy núi Rwenzori còn được mệnh danh là "dãy Alps của châu Phi". Những cuộc thám hiểm gần đây phát hiện ra rằng, sông băng ở đây sẽ biến mất đáng kể và chỉ còn trơ lại sườn núi.
Ngoài ra, nơi đây còn có Vườn quốc gia gồm các khu vực: khu vực núi, thác nước, đồng bằng và hồ. Cảnh núi non, thác nước, đồng bằng và hồ tạo nên một cảnh sắc đẹp tuyệt đẹp, hiếm thấy mà bất kỳ ai đã từng nhìn thấy cũng phải công nhận.
Với sự kết hợp hoàn hảo của thiên nhiên, những dãy núi cao, hồ nước và vùng đồng bằng, người ta thường nói Vườn quốc gia núi Rwenzori là nơi có cảnh quan đẹp nhất Châu Phi và được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994.
NGÔI LÀNG QUÝ TỘC
Nằm ở phía tây nam của Burkina Faso, quốc gia không giáp biển, là một ngôi làng nhỏ tên gọi Tiébélé. Làng Tiébélé nằm ở tỉnh Nahouri, gần biên giới phía bắc Ghana 50km, nơi đây có sự độc đáo của sukhala - những ngôi nhà truyền thống không có cửa sổ với các bức tường đầy màu sắc.
Làng Tiébélé có diện tích khoảng 1,2ha, là nơi sinh sống của người Kassena. Họ là những người đầu tiên định cư ở khu vực này vào thế kỷ 15 và là bộ tộc lâu đời nhất quốc gia. Hiện nay, những người sinh sống trong ngôi làng này đều là giới quý tộc Kassena. Việc họ trang trí, tô màu cho ngôi nhà là cách để phân biệt với nơi ở của dân thường trong bộ tộc.
Bộ lạc Kassena là những người biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên để thể hiện nét văn hóa phong phú của mình. Họ trang trí nhà cửa bằng cách vẽ các hoa văn phức tạp lên quanh ngôi nhà. Công cụ chính là phấn màu. Tuy nhiên, nơi được trang trí công phu và đẹp nhất không phải nhà ở, mà là lăng mộ của người đã khuất. Người nhận nhiệm vụ trang trí này từ thời xa xưa thường là phụ nữ. Màu sắc được sử dụng là đen, trắng và đỏ.
Những ngôi nhà này không có cửa sổ nhằm phòng thủ và bảo vệ người trong nhà. Sau khi một căn nhà được xây dựng, những người sống ở đó sẽ phải đợi 2 ngày. Nếu một con thằn lằn xuất hiện trong đó thì nó được coi là điểm tốt. Nếu không, ngôi nhà sẽ bị phá hủy.
Tuy nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhưng người dân ở đây không muốn biến ngôi làng của mình thành điểm du lịch vì họ muốn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc rất riêng biệt của nơi này.
HẺM NÚI “Ổ GÀ”
Hẻm núi sông Blyde là một trong những kỳ quan tự nhiên đặc biệt và đẹp nhất trên thế giới. Nằm ẩn mình trong vùng đất phong phú của tỉnh Mpumalanga (Nam Phi), hẻm núi được hình thành bởi sông Blyde, một con sông uốn lượn và mạnh mẽ chạy qua những dãy núi cổ xưa.
Lịch sử địa chất của hẻm núi bắt đầu từ hàng triệu năm trước khi vách đá Drakensberg được hình thành lúc siêu lục địa cổ đại Gondwana bắt đầu tan rã.
Theo thời gian, đường đứt gãy ban đầu tạo ra vách đá nghiêng lên trên do chuyển động địa chất và xói mòn, tạo thành những vách đá cao chót vót khiến hẻm núi trở nên ấn tượng như ngày nay.
Cảnh quan tại hẻm núi sông Blyde vô cùng đa dạng và hấp dẫn. Đỉnh núi cao vút, những hòn đá khổng lồ và mênh mông thảo nguyên xanh tươi tạo nên bức tranh tự nhiên hùng vĩ. Một điểm đáng chú ý nhất của hẻm núi là các đáy chảo tự nhiên, nơi mà sông Blyde đã đào tạo ra những hồ nước sâu màu xanh ngọc bích, tạo nên một hình ảnh tuyệt vời về sự kỳ diệu của thiên nhiên.
LÀNG NỔI TRÊN ĐẦM LẦY
Sudd là một vùng đầm lầy ở Nam Sudan, một trong những vùng đầm lầy lớn nhất thế giới và cũng là vùng đầm lầy nước ngọt lớn nhất lưu vực sông Nile.
Từ "sudd" bắt nguồn từ tiếng Ả Rập "sadd", có nghĩa là "chặn" vì những nỗ lực đi tìm thượng nguồn sông Nin của người Ai Cập và người La Mã cổ đại đều bị cản trở bởi vùng đầm lầy rộng lớn và khó định hướng này. Nơi đây tập hợp rất nhiều ngôi nhà trên các “hòn đảo” của người Nilotic Nuer.
Khu đầm lầy bao gồm rất nhiều các loài thực vật như cói, lúa nước, lục bình... sinh sôi trong vùng nước nóng và bùn lầy. Điều đó khiến cho nơi đây không thể di chuyển bằng tàu thuyển mà chỉ có rất ít không gian cho các thuyền nhỏ len lỏi qua lại.
Khu vực này chỉ có dân tộc thiểu số Nilotic Nuer sinh sống trong nhiều thế kỷ qua. Các thảm thực vật kết tủa cùng bùn đất tạo nên những “hòn đảo” nhỏ vừa đủ dựng một ngôi nhà tranh cho người dân sinh sống.
Các “hòn đảo” được nối liền với nhau bằng những con lạch nhỏ chằng chịt tạo nên một ngôi làng nổi giữa vùng đầm lầy rộng lớn. Người dân nơi đây mưu sinh chủ yếu dựa vào việc đánh bắt cá, tôm.
THÁC “KHÓI BỐC LÊN TỪ SẤM SÉT”
Thác Victoria là một thác nước tại miền nam châu Phi trên sông Zambezi, tại biên giới Zambia và Zimbabwe.
Cảnh đẹp ấn tượng này được một nhà thám hiểm người Scotland tên David Livingstone tìm ra vào ngày 16/11/1855, sau đó được đặt theo tên của Nữ hoàng Anh. Thác được hình thành bởi nước sông Zambezi, từ độ cao 108m, đổ thẳng xuống 1 phiến đá lớn. Kẽ nứt được hình thành rộng khoảng 1.780m do nứt gãy khi hình thành cao nguyên. Từ đó nước sông bị hẫng nên tạo thành một thác nước vô cùng thú vị.
Victoria không chảy liền mạch mà bị phân cách bởi 2 hòn đảo lớn là Boaruka và Livingstone cùng nhiều đảo nhỏ khác. Thế nên chia thành các dòng chính chảy song song với nhau. Có 4 dòng chính lần lượt là Dòng Quỷ, Thác chính, Thác cầu vồng và Dòng phía đông.
Trong tiếng địa phương, con thác có tên là Mosi-oa-Tunya với hàm ý là “khói bốc lên từ sấm sét”. Đúng như tên gọi, bức tranh thiên nhiên của thác Victoria vô cùng hùng vĩ và tráng lệ. Lưu lượng nước ở đây rất lớn, tiếng nước đổ xuống hẻm núi tựa như âm vang “rung trời” của sấm.
Nơi đây được ghi nhận là thác nước đẹp và hùng dũng nhất thế giới.
KỲ QUAN THỨ 8 CỦA THẾ GIỚI
Nhà thờ Thánh George là một nhà thờ đẽo gọt từ đá nguyên khối ở Lalibela, thuộc khu vực Amhara tại Ethiopia.
Nhà thờ này là một trong số 11 nhà thờ nằm trong khu vực Lalibela. Nó nổi tiếng nhất trong số này, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 13 và đã từng được coi là "Kỳ quan thứ 8 của Thế giới". Kích thước của tổ hợp nhà thờ này là 25 x 25 x 30m và có một ao rửa tội nhỏ bên ngoài nhà thờ nối với một con mương nhân tạo.
Theo lịch sử văn hóa Ethiopia, Bete Giyorgis được xây dựng sau khi vua Gebre Mesqel Lalibela của triều đại Zagwe có một giấc mơ, trong đó ông nhận được chỉ dẫn xây dựng nhà thờ; Thánh George và Chúa Trời đều được coi là những người đã chỉ dẫn cho vị vua này.
Đây là nhà thờ hình cây thánh giá được tạc từ một khối đá rắn duy nhất và nằm trong một hố sâu 15m. Từ khối đá rắn đó, những người thợ đục khoét tạo thành cửa ra vào, cửa sổ, trụ cột, sàn, mái nhà. Phần mái của nhà thờ là hình chữ thập có thiết kế vô cùng độc đáo và đáng chú ý. Bên trong nhà thờ có lưu giữ một bản sao của Hòm giao ước (Ark of the Covenant). Chiếc hòm quý này được xem là thứ đồ vật thiêng liêng nhất trên Trái đất vì theo Kinh thánh thì nó được tạo nên bởi Chúa trời.
Nhà thờ Thánh George được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1978.
THỊ TRẤN NHỎ LA MÃ
Thành cổ Dougga Tunisia là một khu định cư của người Berber, Punic và La Mã gần Téboursouk, ngày nay thuộc miền bắc Tunisia. Địa điểm này được mệnh danh là "thị trấn nhỏ La Mã được bảo tồn tốt nhất ở Bắc Phi".
Nơi đây lưu giữ những tàn tích có niên đại từ thời tiền La Mã. Thị trấn này nằm trên đỉnh đồi, nhìn ra các thung lũng xung quanh với các đồn điền ô liu. Ở thành cổ Dougga Tunisia, toàn bộ thị trấn được bảo tồn, thậm chí cả những con phố La Mã.
Lịch sử của Dougga không chỉ giới hạn trong thời kỳ La Mã. Tại đây, người ta tìm thấy một ngôi đền Punic cũ với bồn tắm tẩy rửa và những bức tường từ thời Phoenicia, sau đó đã được người La Mã cải tạo và tái sử dụng. Do đó có những cột trụ La Mã. Ngoài ra còn có một di tích khác là lăng Ateban có niên đại vào thế kỷ thứ 2 TCN. Đó là một trong ba ví dụ về kiến trúc hoàng gia Numidian.
Thành cổ Dougga Tunisia từng là trung tâm quan trọng của các vị vua Numidian cho đến thế kỷ thứ 1. Trong Chiến tranh Punic, người La Mã đã phá hủy Carthage và thành lập một tỉnh La Mã ở châu Phi. Hai tướng La Mã là Pompey và Cato nổi dậy chống lại Julius Caesar, tranh thủ sự ủng hộ của vua Numidian Yuba I. Tuy nhiên, Caesar đã đánh bại quân nổi dậy, chiếm được phần lớn vương quốc Numidian.
Sau đó, Dougga trở thành một thị trấn trực thuộc tỉnh của thuộc địa La Mã, trong đó có khoảng 5.000 cư dân sinh sống từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 3. Đó là một vùng thịnh vượng giàu có, nơi có nhiều tòa nhà được dựng lên trong thời kỳ cai trị của La Mã.
Vào thế kỷ thứ 5, các vùng lãnh thổ hiện tại đã bị người Vandals chiếm giữ và một thế kỷ sau đó, chúng bị tiếp quản bởi Đế chế Byzantine, thời kỳ đó đã thiết lập các pháo đài ở Dougga. Vào thời điểm này, hầu hết cư dân đã rời khỏi thị trấn và khi Caliphate Ả Rập đến vào năm 670, Dougga đã là một vùng hoang vu bị bỏ hoang. Có lẽ do điều này mà thị trấn đã tránh được sự can thiệp và tái cấu trúc của Ả Rập.
Thành cổ Dougga Tunisia có một tòa nhà độc đáo, đó là Trifolium. Dinh thự tư nhân này từng là nơi ở dành cho giới thượng lưu và khách du lịch thường chụp ảnh tại bảng hiệu Bordel. Thành cổ Dougga Tunisia đã được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO.
CẢ THÀNH PHỐ ĐỀU CÓ THỂ NHÌN THẤY NHÀ THỜ
Là nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở Nigeria, một kiệt tác kiến trúc nằm ngay trung tâm thủ đô Abuja với vẻ cổ kính, uy nghiêm phía ngoài và nội thất xa hoa bên trong.
Nhà thờ Hồi giáo được xây dựng vào năm 1984 và mở cửa cho công chúng không theo đạo Hồi, ngoại trừ các buổi cầu nguyện của giáo đoàn. Nhà thờ nằm ở thủ đô Abuja và nằm trên Đại lộ Độc lập, đối diện với Trung tâm Cơ đốc giáo Quốc gia. Nhà thờ Hồi giáo có một thư viện và một phòng hội nghị.
Khu phức hợp bao gồm một trung tâm hội nghị có sức chứa sáu trăm người, văn phòng của Trung tâm Hồi giáo và các cơ sở lưu trú cho các imam và muazzin. Trong quá trình xây dựng, các nhà thầu chính là Lodigiani Nigeria Ltd., trong khi tư vấn thiết kế được cung cấp bởi AIM Consultants.
Công trình này được xem là một kiệt tác kiến trúc hoàn hảo của đất nước Nigeria. Nhà thờ mang một vẻ cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng không kém phần độc đáo sở hữu hệ thống nội thất bên trong vô cùng cầu kỳ và xa hoa.
Điểm đặc biệt là nhà thờ được thiết kế mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng từ nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Đây được đánh giá là một trong những khu du lịch đẹp và ấn tượng nhất ở Nigeria.
VƯỜN QUỐC GIA CÓ LỐI ĐI TRÊN TÁN CÂY
Ghana, quốc gia được mệnh danh là “viên ngọc” của Lục địa đen, là nơi có nhiều Di sản Thế giới được UNESCO công nhận bởi đất nước này dễ dàng kết hợp cái cũ với cái mới. Được thành lập vào năm 1931 với tư cách là một khu bảo tồn, vườn quốc gia Kakum, nằm ở vùng ven biển của khu vực miền Trung của Ghana có diện tích 375km2.
Vườn quốc gia Kakum là một rừng mưa nhiệt đới nằm ở miền Nam Ghana. Khu rừng này là nhà của hơn 40 loài động vật có vú như voi rừng, trâu rừng, chồn đất và cầy hương, cùng hơn 250 loài chim khác nhau. Điểm thu hút nhiều người khi đến với Vườn quốc gia Kakum chính là lối đi trên cây Canopy Walkway dài 350m và cao 30m so với mặt đất.
Điểm độc đáo của công viên này nằm ở chỗ nó được thành lập theo sáng kiến của người dân địa phương. Đây là 1 trong 3 địa điểm duy nhất ở châu Phi có lối đi trên tán cây và nối 7 ngọn cây tạo nên lối vào rừng.
Các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đáng chú ý nhất trong công viên là khỉ Diana, linh dương bongo khổng lồ, linh dương lưng vàng và voi châu Phi. Đây cũng là Khu vực chim quan trọng được Bird Life International công nhận với khu vực chim chồng lấn hoàn toàn với khu vực công viên.
Bản kiểm kê đã xác nhận 266 loài chim trong công viên, bao gồm 8 loài được quan tâm bảo tồn toàn cầu. Một trong những loài được quan tâm này là gà lôi ngực trắng. Chín loài mỏ sừng và vẹt xám đã được ghi nhận. Ngoài ra, nơi đây còn có hơn 600 loài bướm và một loài mới được phát hiện vào năm 1993. Tính đến năm 2012, quần thể voi rừng đông đúc nhất ở Ghana nằm ở Kakum.