Nợ hơn 38.000 tỷ đồng, Vinachem vẫn “rút” hàng trăm tỷ cho Đạm Ninh Bình vay

Trong bối cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất, trong năm vừa qua, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho dự án Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng.
Nợ hơn 38.000 tỷ đồng, Vinachem vẫn “rút” hàng trăm tỷ cho Đạm Ninh Bình vay

Lỗ luỹ kế gần 2.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố cho hay, đến 31/12/2017, nợ phải trả của “ông lớn” hoá chất đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112,8 tỷ đồng, tăng 1.750 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn của Vinachem đã suýt soát với tài sản ngắn hạn (là 21.756 tỷ đồng).

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản phải trả từ 1 năm trở xuống của Vinachem là 18.107 tỷ đồng. Đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng lên 11.437,7 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Vinachem vẫn đánh giá, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ của tập đoàn này là có thể kiểm soát được. “Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn”, phía Vinachem quả quyết.

Trong khi đó, trong năm vừa qua, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn này lại đều đi xuống. Doanh thu giảm 6% chỉ còn 5,6 tỷ đồng, trong khi đó giá vốn hàng bán đã là 5,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp bị âm.

Doanh thu tài chính là mảng mang về nguồn thu lớn nhất cho Vinachem, nhưng đã sụt giảm rất mạnh hơn 60% so với cùng kỳ, còn 983 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó cũng không đủ bù chi phí tài chính 967,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 305 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm 2016), dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 289,8 tỷ đồng.

Trên bản báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Vinachem không ghi nhận chi phí bán hàng và chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Khoản lợi nhuận khác không đáng kể, chỉ gần 2,2 tỷ đồng. Chính vì vậy, kết quả Vinachem vẫn ghi nhận lỗ 287,6 tỷ đồng trong năm vừa qua. Mức lỗ này đã “bồi” thêm khoản lỗ luỹ kế đến cuối 2017 của Vinachem lên mức 1.968 tỷ đồng.

Cả chục hợp đồng cho Đạm Ninh Bình vay ký trong năm 2017

Trong bối cảnh thua lỗ, nợ nần như vậy, trong năm vừa qua, Vinachem đã phải rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho dự án Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm ngoái đã nâng lên 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016.

Trong khi đó, nhiều khoản vay trị giá hàng chục tỷ đồng từ năm 2016 vẫn chưa thanh toán, hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.

Ví dụ khoản cho vay 120 tỷ đồng để Đạm Ninh Bình bổ sung vốn lưu động thực hiện tháng 2/2016 đã phải ký phụ lục đến 31/12/2017 là đáo hạn, nhưng số dư khoản vay này đến cuối 2017 vẫn y nguyên 120 tỷ đồng. Một khoản cho vay khác có cùng mục đích, trị giá 30 tỷ đồng thực hiện tháng 3/2016 và được gia hạn đến 31/8/2017, nhưng đến 31/12/2017 vẫn chưa trả được đồng nợ gốc nào.

Thống kê trong báo cáo tài chính thể hiện có đến 15 hợp đồng các khoản cho vay ngắn hạn của Vinachem đối với dự án Đạm Ninh Bình đã được ký trong năm 2017.

Ngoài ra, tập đoàn này còn có 10 hợp đồng cho vay dài hạn của Vinachem với Đạm Ninh Bình đến hạn thanh toán trong năm 2017. Trong đó có những khoản rất lớn như khoản vay hơn 568 tỷ đồng ký hồi tháng 9/2015, khoản vay 366 tỷ đồng ký hồi tháng 8/2015, khoản vay 248 tỷ đồng ký hồi tháng 2/2016…

Nợ dài hạn của Đạm Ninh Bình với Vinachem trong năm ngoái giảm 441 tỷ đồng, nhưng dư nợ vẫn rất lớn, lên tới 6.726,5 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Vinachem, tại dự án này, tập đoàn này có 625,8 tỷ đồng khoản phải thu cho vay bị xếp vào diện “nợ khó đòi” và khả năng chỉ thu hồi được 367,5 tỷ đồng trong số này.

Vừa qua, liên quan đến xử lý vi phạm tại Vinachem (đặc biệt là tại dự án Đạm Ninh Bình), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này.

Đề nghị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.

Bộ Công Thương đã có văn bản khẳng định “sẽ nghiêm túc thực hiện” các chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cấp có thẩm quyền đối với vấn đề ngày.

Ngày 19/6 tới đây, Tổ kiểm tra giám sát của Thanh tra Chính phủ gồm 3 thành viên cũng sẽ làm việc với Vinachem trong 10 ngày về việc triển khai kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn này.

 Theo Dân trí

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...