Nợ xấu, tăng tốc xử lý và những khoản nợ “không tên”

Nợ xấu, 2 từ được nhắc nhiều lần trong 5 năm trở lại đây và ngành ngân hàng năm nay đang quyết tâm giảm tần suất đề cập đến cụm từ này. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại, rất nhiều nơi đã công bố l
Nợ xấu, tăng tốc xử lý và những khoản nợ “không tên”

ACB dự kiến kết thúc thu hồi nợ nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên vào năm 2017

Trách nhiệm từ ngân hàng

Theo Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.689 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng dư nợ gốc 284.206 tỷ đồng, giá mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 247.423 tỷ đồng.

Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các TCTD đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp... Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng bằng nhiều hình thức bán nợ, bán tài sản bảo đảm, đạt tỷ lệ 17,6% so với tổng dư nợ gốc.

Mặc dù tỷ lệ xử lý nợ của VAMC rất thấp, nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, đơn vị đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xử lý được 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 70% giá trị các khoản nợ xấu đã mua.

Hiện VAMC đang rà soát, xây dựng từ mô hình tổ chức đến cơ chế hoạt động để làm sao VAMC thực sự là cơ quan xử lý nợ xấu, không chỉ của ngành ngân hàng mà rộng ra là nền kinh tế. Mục tiêu chính trong xử lý nợ xấu là tái tạo nguồn lực, cũng như giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Vì nếu như nợ xấu không được khơi thông, thì lãi suất cho vay không thể hạ được, chi phí vốn sẽ đắt đỏ hơn kỳ vọng.

Theo ông Đông, để VAMC phát huy được vai trò thì phải có thực lực theo đúng nghĩa, có cơ chế xử lý, tạo hướng đi cụ thể cho VAMC, phải minh bạch giữa quyền lợi nghĩa vụ của các bên…

Trong những năm qua, dù đã nỗ lực, song tỷ lệ nợ xấu VAMC xử lý được từ khối lượng nợ đã “gom” về từ các ngân hàng thương mại quá khiêm tốn và trách nhiệm chính vẫn thuộc về các nhà băng. Điều này cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc xử lý nợ xấu cũng không thể hỗ trợ trực tiếp, mà quan trọng vẫn là nỗ lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu hiện nay.

Các ngân hàng tự gánh… là chính!

Ghi nhận tại các ngân hàng, đa số các ngân hàng có thực lực đang tính tới phương án tự xử lý. Vietcombank cuối năm ngoái đã rút toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Còn tại ACB, lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, tuy có khó khăn nhất định, đặc biệt liên quan tới khung pháp lý hướng dẫn xử lý nợ chưa hoàn thiện, song ACB sẽ quyết tâm thu hồi khoản nợ vay liên quan đến nhóm 6 công ty (G6) của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và gia tăng dự phòng. 

Cụ thể, ACB dự kiến kết thúc thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên vào năm 2017, thay vì 2018 như lộ trình cũ, bằng cách trích lập dự phòng bổ sung. Theo đó, ACB được phép trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 so với lộ trình thu hồi nợ cũ và lộ trình thu hồi nợ mới sẽ được điều chỉnh lại, với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB đã giảm mạnh từ 1,3% năm 2015 xuống còn 0,9% vào cuối năm 2016 - mức thấp nhất từ năm 2011. ACB cho biết, sẽ tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp để có bảng cân đối kế toán “sạch”.

Trong các con số nợ xấu đơn vị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, có một món nợ đặc biệt, đó là nợ giữa các ngân hàng với nhau, thông qua quá trình vay trên thị trường liên ngân hàng. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do “đồng nghiệp” cùng hệ thống, trước đây, ít ngân hàng đề cập tới con số này trước công luận, tuy nhiên, đây vẫn là khoản “dây dưa” không nhỏ với các ngân hàng.

Tại ACB, ngân hàng này có 2 khoản công nợ lớn tại GPBank, VNCB (nay là CBank). Đối với khoản nợ 772 tỷ đồng của GPBank, ngoài giải pháp phát hành trái phiếu cấn trừ nợ, ACB đã thông qua công ty con để nhận 2 dự án bất động sản cấn trừ nợ, phần còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong năm nay thông qua biện pháp nhận lại bất động sản do GPBank nắm giữ.

Còn về khoản tiền gửi trị giá 400 tỷ đồng tại CBank đã quá hạn lãi, hiện đã được phân loại vào nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, theo phê duyệt từ NHNN, mỗi năm CBank sẽ trả 1/5 số tiền cho ACB với mức lãi 2%/năm và dự kiến đến ngày 30/9/2020 sẽ hoàn tất. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ACB đã tiến hành trích lập dự phòng cho khoản này là 165,63 tỷ đồng.

Ngoài ACB, một ngân hàng khác cũng đặt quyết tâm xử lý sớm nợ xấu so với kế hoạch trước đó là SCB. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho hay, trong năm 2016, Ngân hàng đã xử lý được 3.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trích dự phòng và xử lý thu hồi nợ. Mục tiêu SCB đưa ra cho năm nay trong việc xử lý thu hồi nợ cũng ở con số này. Vì thế, với tổng nợ xấu lớn SCB đã bán cho VAMC, kỳ vọng đến cuối năm nay chỉ còn hơn 10.000 tỷ đồng. Theo ông Văn, trong lúc này, muốn xử lý được nợ xấu không còn cách nào khác là phải tăng trích dự phòng, bên cạnh xử lý tài sản.

Có một câu chuyện chung ghi nhận tại các ngân hàng, mặc dù đang quyết tâm sớm dứt điểm nợ xấu, nhưng rào cản đã được đề cập nhiều lần vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, đó là những vướng mắc và “thủ tục rườm rà” trong khâu phát mãi tài sản. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có thị trường mua-bán nợ để nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Vì vậy, cả khi bất động sản hồi phục, việc chuyển nhượng dự án, xử lý tài sản đảm bảo cũng có khó khăn nhất định.

Những khoản nợ "không tên"

Nợ xấu, mà phần lớn là các khoản nợ có tài sản đảm bảo, nếu là đất đai thì thời gian có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề khi giá đất tăng, nhưng với nhiều tài sản khác như máy móc, nhà xưởng, thậm chí là nhà ở, càng để lâu càng xuống cấp hoặc bị thất thoát.

Theo một chuyên gia đến từ quỹ đầu tư nước ngoài, hiện xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam mới có những "điểm sáng" đến từ các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính thông qua số tiền đã trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Nhưng "phần tối" của bức tranh chính là hàng chục nghìn các khoản nợ “không tên”, với tài sản đảm bảo không còn nhiều giá trị, nên “càng có biện pháp xử lý sớm ngày nào, hay ngày đó”.

“Không như ở Mỹ, khi các khoản nợ vay của khách hàng rơi vào nợ xấu, ngân hàng đã có thể đấu giá, niêm yết, phong tỏa để thu hồi được nợ sớm nhất. Nhưng điều này quá khó để thực thi trong việc xử lý, thu hồi nợ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Các ngân hàng Việt Nam đã làm đẹp sổ sách khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC trong 4 năm qua, nhưng hàng năm họ vẫn phải trích lập dự phòng 20%. Như vậy, sau 5 năm bán nợ xấu, tổng dự phòng rủi ro đã trích của các ngân hàng bù đủ cho khoản nợ xấu, thì khoản nợ đó có xử lý thu hồi được hay không cũng không còn ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng”, vị chuyên gia trên nói.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế trưởng Tập đoàn Dragon Capital cho rằng, khối nợ xấu khổng lồ mà VAMC đã “gom” lại từ các ngân hàng trước đây hiện cũng không còn quá lo ngại trong việc xử lý như 2 năm trước. Bởi thực tế, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu là bất động sản thế chấp, trong khi thị trường bất động sản thời gian qua phục hồi khá ấn tượng cả về thanh khoản lẫn giá bán. Chính điều này đã tác động tích cực, làm cho nợ xấu của ngành ngân hàng giảm tương đối. 

Một khi bất động sản tăng giá, thanh khoản tốt, các ngân hàng có thể dễ dàng hơn trong việc thương lượng với khách hàng để chuyển nhượng, bán tài sản thế chấp, thu hồi nợ. Điều này có nghĩa, hiện nợ xấu ở trong một vài ngân hàng cổ phần lớn đã “sạch”.

Thế nhưng, theo ông Tuấn, nợ xấu của một số ngân hàng nhỏ, yếu kém vẫn là mối lo cho toàn hệ thống, cần đẩy mạnh xử lý.

Theo Thùy Vinh/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...