Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng rao bán tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng liên tục đăng tin rao bán các khoản nợ thế chấp bằng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn với mức giá khởi điểm trên mức 1.000 tỷ đồng...

nợ xấu.jpeg
Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng rao bán tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ

Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng liên tục rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu. Trong đó có những khoản nợ được thế chấp bằng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

NGÂN HÀNG "KHỐN ĐỐN" THANH LÝ TÀI SẢN ĐẢM BẢO

Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đang tìm cách rao bán khoản nợ có giá khởi điểm hơn 1.100 tỷ đồng của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.

Trong đó bao gồm: Các tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Khu B là căn hộ hình thành trong tương lai (bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36), Công trình xây dựng hình thành trong tương lai (bao gồm Tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại).

LUNA.jpeg
Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia

Cùng với Khu B, Khu A của Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia với diện tích gần 6.000 m2 cũng đã bị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương (VietinBank) rao bán để thu hồi khoản nợ hơn 540 tỷ đồng.

Trung Tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia bao gồm các khách sạn, condotel, resort nghỉ dưỡng cao cấp... được xây dựng tại "khu đất vàng" của thành phố biển Nha Trang. Dự án này dự kiến bàn giao cho khách hàng từ cuối 2019 nhưng tới nay đã chậm tiến độ hơn 3 năm. Riêng Khu A có tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng.

Ngoài khoản nợ nghìn tỷ của Marina Hotel, Agribank cũng đang siết nợ 7 doanh nghiệp với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, được thế chấp bằng các bất động sản thuộc Tổ hợp du lịch, giải trí tại Phú Quốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công từ cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng bao gồm tòa căn hộ khách sạn, hệ thống resort, hệ thống shophouse, biệt thự...

Ngoài ra, Agribank cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 279 tỷ của Công ty TNHH Suối Cát tại Chi nhánh tỉnh Bình Thuận.

Khoản nợ được đảm bảo bằng toàn bộ Khu vui chơi giải trí Suối Cát có địa chỉ tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết; 3 quyền sử dụng đất tại số 383 Trần Quý Cáp, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết; giá trị tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 trên tổng diện tích đất là 21.132 m2 bao gồm các công trình: tàu lượn cao tốc, vũ trường, bãi đậu xe, cổng bán vé, phao đụng, xe đụng, khu vườn cây ăn quả.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 trên tổng diện tích là 6.570,5 m2 bao gồm các hạng mục: sân khấu ngoài trời có mái che và phần san lấp mặt bằng; tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 gồm các hạng mục: Quảng trường trung tâm, khách sạn, cùng với một số tài sản hình thành trong tương lai khác tại dự án này.

Khu vui chơi giải trí Suối Cát là tổ hợp giải trí, nhà hàng, khách sạn, với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư. Dự án này đã dừng hoạt động từ lâu và hiện cơ sở hạ tầng đã xuống cấp rất nhiều.

Hồi tháng 7/2023, Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai cũng đã thông báo đấu giá tài sản bảo đảm là toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh; Tre Xanh Plaza; Hầm đậu xe, cổng tường rào và các thiết bị đi kèm công trình xây dựng tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo mô tả của Agribank, khách sạn này tọa lạc tại số 18 Lê Lai nằm gần ngay các trung tâm hành chính và trung tâm thương mại của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách sân bay Pleiku 5,5km.

Cụm khách sạn, nhà hàng Tre Xanh, Tre Xanh Plaza gồm 2 Khu thông nhau (Khu A và Khu B) với tổng diện tích sàn 14.339,41 m2. Hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng hiện hoạt động kinh doanh tốt. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích đất 2.733,57 m2.

Đồng cảnh ngộ với Agribank, ngân hàng VietinBank vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.

Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, thành phố Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất (tháng 7/2023),…

Trước đó, VietinBank cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự tại Hội An, Quảng Nam với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng siết nợ hàng loạt khách sạn, homestay, biệt thự tại các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang... Đơn cử tại Đà Nẵng có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

TỶ LỆ NỢ XẤU TOÀN NGÀNH NGÂN HÀNG VƯỢT MỨC 6%

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-17 lúc 12.40.50.png

Song tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là ngân hàng SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng hiện ở mức 1,92%.

Nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 6,16%, tương đương 768.000 tỷ đồng.

Đầu 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, đến cuối 2022 lên 2%.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội ngày 8/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 21/9/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,62 triệu tỷ đồng, tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6 vượt 3% như VietBank, ABBank, BVBank, VPBank, OCB, PGBank.

Theo cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho hay nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý 3/2023 và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Cùng với đó, thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Ngoài ra, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng kéo dài, kém hiệu quả.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128.800 tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm

Nợ xấu của Sacombank vẫn tăng hơn 91% trong 6 tháng, dù trước đó, quản trị nợ xấu kém tại ngân hàng này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra

Nợ xấu của Sacombank tăng hơn 91% sau kết luận thanh tra

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu của Sacombank ở mức 8.226 tỷ đồng, tương đương mức tăng 91,3% so với đầu năm. Đáng nói, kiểm soát nợ xấu kém là một trong những khuyết điểm của ngân hàng này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trước đó…

Nợ xấu phình to, ngân hàng ồ ạt thanh lý bất động sản

Nợ xấu phình to, ngân hàng ồ ạt thanh lý bất động sản

6 tháng đầu năm 2023, hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều có chiều hướng tăng lên, song hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là biệt thự, “sổ đỏ”, nhà máy…

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...