Xử lý nợ xấu giỏi như Sacombank thời ông Dương Công Minh làm Chủ tịch

Thay vì thực hiện Đề án tái cơ cấu trong 10 năm (2016 - 2025), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) đã rút ngắn lộ trình và xác định năm 2023 sẽ là thời gian cuối để tái cơ cấu...

sacombank.jpeg
Năm 2023 sẽ là thời gian cuối cùng để Sacombank hoàn thiện việc tái cơ cấu

Điều này đã được ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank khẳng định tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 25/4/2023 vừa qua. "Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ là thời gian cuối cùng để Sacombank hoàn thiện việc tái cơ cấu", ông Minh nói.

"THẦN TỐC" TÁI CƠ CẤU

Theo Quyết định số 1844 ngày 14/9/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/10/2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (Southern Bank) chính thức sáp nhập vào Sacombank và xử lý nợ của ông Trầm Bê.

Sau đó, ngày 25/3/2016, tại Thông báo số 11/TB-NHNN, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Sacombank căn cứ kết quả kiểm toán, rà soát, xây dựng Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập trên cơ sở Đề án sáp nhập. Cụ thể, thời gian trình đề án là từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2017.

Theo báo cáo tài chính của Sacombank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu của ngân hàng này là 9.468 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 4,28% và nếu tính cả nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 19,71%, tương ứng 51,945 tỷ đồng.

Điều đáng nói, đúng thời điểm bắt đầu thực hiện đề án, ngân hàng Sacombank có Chủ tịch mới. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông Sacombank ngày 30/6/2017, ông Minh được bầu làm Chủ tịch với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất.

Như vậy, có vẻ suốt quá trình tái cấu trúc, Chủ tịch Dương Công Minh là người có công lớn lao lớn nhất vì là người chèo lái con thuyền đầy sóng gió Sacombank.

Ngay khi được bầu làm Chủ tịch Sacombank, ông Minh đã tự tin khẳng định, việc sáp Phương Nam (Southern Bank) đã khiến ngân hàng có một số khó khăn, nhưng đồng thời đã giúp Sacombank hậu sáp nhập có được quy mô lớn.

"Chúng tôi hứa sẽ sớm hoàn thành tái cấu trúc, đưa Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất, hiệu quả nhất thị trường", ông Minh nói trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Và theo ông Minh, nợ xấu của ngân hàng chủ yếu nằm trong bất động sản đảm bảo, nếu xử lý nhanh vấn đề này thì sẽ sớm hoàn tất tái cấu trúc.

Và dưới sự dẫn dắt tài ba của ông Minh, đến nay, đề án tái cơ cấu của Sacombank trong giai đoạn 2016-2025 đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra với những chỉ số đầy ấn tượng.

Cụ thể, ngân hàng đã xử lý xong nhiều vấn đề cơ bản như tài sản tồn đọng hay lãi dự thu và chỉ còn vấn đề đấu giá số cổ phần của ông Trầm Bê và những người có liên quan.

Hiện, Sacombank đã trình phương án bán đấu giá 32,5% vốn cổ phần của ông Trầm Bê và dự kiến trong quý 4/2023 sẽ đấu giá xong. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhà băng này này hoàn thành việc tái cơ cấu trước thời hạn, đồng thời sẽ chia cổ tức.

ông dương công minh.jpeg
Chủ tịch ngân hàng Sacombank, ông Dương Công Minh

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cho biết, khả năng xử lý nợ của ngân hàng được đánh giá tích cực. Doanh số thu hồi luỹ kế kể từ khi triển khai đề án lên gần 92.000 tỷ đồng, trong đó thuộc đề án tái cơ cấu chỉ có hơn 74.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, con số này đạt 15.886 tỷ đồng, trong đó có hơn 12.000 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án.

Điều này giúp cho tỷ lệ nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu của Sacombank giảm 72,8%, tỷ trọng trong tổng tài sản giảm từ 28,1% vào năm 2016 xuống còn 4,3% vào năm 2022. Đáng nói, ngân hàng Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng; tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 131%, tăng 12.4%.

Bên cạnh những nỗ lực xử lý tài sản tồn đọng, thu hồi nợ một cách nhanh gọn, ngân hàng còn tự hào vì kết quả tái cấu trúc cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's ghi nhận chất lượng tài sản của ngân hàng này được nâng 1 bậc từ caa1 lên b3, bộ đệm vốn an toàn hoạt động cũng cải thiện đáng kể, khả năng huy động vốn duy trì sự ổn định.

Không những thế, ngân hàng này còn thể hiện mình là một nhà băng có tốc độ phát triển cả về doanh thu, lợi nhuận và quy mô cực cực kỳ hiệu quả. Cụ thể, lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng đã tăng từ mức 50 tỷ đồng vào năm 2016 - năm bắt đầu thực hiện đề án tái cấu trúc, lên mức 1.100 tỷ đồng/tháng vào năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của ngân hàng Sacombank mở rộng lên mức 591.908 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 13%; tiền gửi khách hàng tăng 6%; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm mạnh từ 1,47% xuống còn 0,98% so với đầu năm.

Ngoài ra, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Sacombank được dự báo sẽ tăng vọt lên mức khoảng 20.000 tỷ đồng. Mục tiêu chung là đưa Sacombank trở lại là một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

KỸ NGHỆ LÀM SẠCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Trên đây là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của các cơ quan hữu quan, trong quá trình tái cơ cấu, Sacombank đã thực hiện việc xử lý một số khoản nợ có nhiều dấu hiệu bất thường; quy trình cấp tín dụng, chuyển nhóm nợ chưa đúng thời điểm; giải ngân khi dự án chưa đầy đủ pháp lý; số liệu báo cáo tài chính sai lệch; không kiểm soát được việc dùng vốn…

Cụ thể, Sacombank trích lập dự phòng các khoản nợ chưa đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện bán nợ cho VAMC không đúng quy định. Đối với khoản nợ đủ điều kiện, đã bán cho VAMC, Sacombank trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu trước thời điểm bán nợ cho VAMC thiếu so với quy định 1.958 tỷ đồng (59 khoản nợ, dư nợ là 7.405 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số khoản nợ của Phương Nam bank bán nợ cho VAMC trước thời điểm sát nhập (gồm 54 khoản nợ, với tổng dự nợ là 2.330 tỷ đồng, số dự phòng cụ thể đã trích là 405 tỷ đồng), Sacombank không có đầy đủ dữ liệu (nhóm nợ, tài sản bảo đảm, dự nợ) nên không xác định được số dự phòng cụ thể phải trích.

Thời điểm năm 2018, khách hàng chưa thực hiện chuyển giao tài sản cho Sacombank để xử lý tài sản thu nợ theo Phương án được phê duyệt (có 20 khoản vay, dư nợ gốc là 1.435 tỷ đồng, nợ lãi là 2.630 tỷ đồng, giá trị tài sản đảm bảo là 4.997 tỷ đồng.

Trong đó, có 2 khách hàng là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Nam Á được Sacombank phê duyệt cho phép khách hàng bán một phần tài sản để thu hồi nợ. Trong khi, Sacombank và khách hàng chưa thực hiện định giá lại tài sản bảo đảm sau khi khách hàng bán một phần tài sản bảo đảm; chưa thực hiện chuyển giao phần tài sản bảo đảm còn lại cho Sacombank để xử lý thu nợ lãi.

Chưa hết, cuối năm 2017, Sacombank thông báo bán đấu giá thành công 3 tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III – Long An, với tổng diện tích là 932ha thu về được hơn 9.200 tỷ đồng. Cả 3 khu đất này đều là tài sản đảm bảo các khoản nợ liên quan đến ông Trầm Bê tại Sacombank.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính năm 2017 của Sacombank trong thương vụ đấu giá quyền sử dụng đất này, bên trúng đấu giá sẽ không phải chuyển ngay cho Sacombank cả 9.200 tỷ đồng một lúc mà chỉ chuyển trước 920 tỷ đồng tiền đặt cọc (10% tổng giá trị). Còn lại 8.280 tỷ đồng sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm.

Như vậy, bản chất thương vụ này không khác mấy việc chính Sacombank đã cho bên trúng đấu giá vay 8.280 tỷ đồng để xử lý khoản nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê, làm đẹp báo cáo tài chính. Khoản này được Sacombank đưa vào khoản “Phải thu từ bán tài sản nhận cấn trừ nợ” trong báo cáo tài chính.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, bên trúng đấu giá 3 khu đất thuộc KCN Đức Hoà III trên không ai khác lại chính là Công ty Cổ phần Him Lam – Doanh nghiệp do chính Chủ tịch Dương Công Minh sáng lập.

Khu công nghiệp Đức Hoà III – Long An.png
Cuối năm 2017, Sacombank thông báo bán đấu giá thành công 3 tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III – Long An bằng hình thức trả chậm số tiền 8.280 tỷ đồng

Việc mua bán nợ trả chậm này còn tiếp tục được thực hiện tại Dự án Khu Công nghiệp Sài Gòn - Long An. Kết quả bán tài sản để thu nợ tính đến thời điểm 31/8/2018 để xử lý bán đấu giá thu nợ là 6.195 tỷ đồng.

Như vậy, trong khi quy định hiện hành chưa điều chỉnh trường hợp ngân hàng dùng hình thức bán trả chậm tài sản bảo đảm của khoản tín dụng quá hạn (nợ xấu) về bản chất là tất toán được khoản nợ xấu và chuyển sang khoản phải thu trong hạn, làm sạch báo cáo tài chính. Việc xử lý bằng hình thức này của Sacombank tiềm ẩn đầy rủi ro.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công khai việc kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank trong quá trình tái cơ cấu với tổng dư nợ đến thời điểm 31/8/2018 là 15.218 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng này đã cho vay 9 khách hàng với dư nợ tính là 9.262 tỷ đồng (chiếm 48,52% vốn tự có của Sacombank).

Mục đích vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án. 9 khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án mà vay để chuyển bên thứ 3 thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng do đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý đất đai trong thời gian dài. Điều này làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh dự án đã được ngân hàng phê duyệt, ảnh hưởng chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh của Sacombank trong giai đoạn thực hiện đề án tái cơ cấu.

Khi kiểm tra hồ sơ vay vốn của 9 khách hàng tại Sacombank, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một loạt thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, như: Một số khách hàng cung cấp số liệu sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế; ngân hàng này cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại Sacombank và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng phân khu thuộc dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI.

Chưa hết, rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích từ dự án khu đô thị Sài Gòn An Bình trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.

Đi kèm với đó là một loạt sai phạm khác, nhưng nhìn chung, bằng "kỹ thuật cao tay" của mình ông Dương Công Minh đã làm sạch và đẹp báo cáo tài chính, mọi chỉ tiêu về tái cơ cấu đều theo đúng lộ trình, pháp luật. Không những thế, quá trình còn được thực hiện một cách nhanh chóng, vượt chỉ tiêu...

Xem thêm

Nợ xấu của Sacombank vẫn tăng hơn 91% trong 6 tháng, dù trước đó, quản trị nợ xấu kém tại ngân hàng này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra

Nợ xấu của Sacombank tăng hơn 91% sau kết luận thanh tra

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu của Sacombank ở mức 8.226 tỷ đồng, tương đương mức tăng 91,3% so với đầu năm. Đáng nói, kiểm soát nợ xấu kém là một trong những khuyết điểm của ngân hàng này đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trước đó…

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...