"Nội lực, năng lực quản trị, liên kết chính là nhân tố then chốt để trụ vững"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Nguyên với Thương Gia xung quanh câu chuyện làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh
"Nội lực, năng lực quản trị, liên kết chính là nhân tố then chốt để trụ vững"

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng thâu tóm của các DN ngoại thời gian vừa qua?

Trước khi đề cập đến vấn đề làn sóng thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, tôi muốn nói qua một chút thị trường nội địa Việt Nam.

Bắt đầu từ giai đoạn mở cửa kinh tế, Chính phủ đã định hướng nền kinh tế nước ta tập trung vào xuất khẩu hàng hóa và thu ngoại tệ. Tuy nhiên, dù nền kinh tế đã có những bước phát triển nhất định, thu nhập dân cư đã có sự cải thiện nhưng thị trường trong nước lại chưa được quan tâm và có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kịp thời.

Đến khi chứng kiến sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những động thái muốn xâm nhập và thâu tóm doanh nghiệp Việt, chúng ta mới nhận ra một thực tế rằng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa vẫn còn quá yếu. Việt Nam chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa thiếu vốn, yếu công nghệ bên cạnh đó thiếu sự liên kết giữa các ngành hàng.

Đối mặt với làn sóng thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại, tôi nghĩ rằng đây là một thách thức lớn và vấn đề doanh nghiệp Việt cần phải làm hiện nay đó là biến thách thức này thành cơ hội để vươn mình lớn mạnh.

Có thể thấy rằng, hạn chế cơ bản nhất của doanh nghiệp Việt Nam là vốn và thương hiệu. Vậy theo ông, doanh nghiệp doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng cao các yếu điểm này và quan trọng hơn là để trụ vững trên thị trường?

Để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại mạnh về vốn và thương hiệu, các doanh nghiệp lớn còn gặp nhiều khó khăn, chứ đừng nói gì đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi các doanh nghiệp Việt còn loay hoay tìm hướng đi, tìm chính sách hỗ trợ thì các doanh nghiệp ngoại đã có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm. Họ đã có thương hiệu, có tiềm lực tài chính mạnh, thậm chí sẵn sàng chịu lỗ vài năm để tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn so với doanh nghiệp trong nước và để có hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo.

Chính vì vây, để tiếp tục trụ vững và tồn tại được, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phát huy các lợi thế sẵn có của mình. Đó là nguồn lực lao động trẻ, truyền thống văn hóa, nắm bắt thị hiếu thị trường, khai thác thế mạnh thuận lợi về vị trí địa lý của quốc gia cũng như của từng vùng miền trên cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đã và đang hướng đến ký kết và đàm phán nhiều Hiệp định thương mại quan trọng tạo lập môi trường tự do phát triển kinh tế bao gồm: ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu,… Đây là một lợi thế cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam hướng về xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngay khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp này cũng được mở rộng cho các doanh nghiệp nội địa. Đơn cử trường hợp, một doanh nghiệp dệt may đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cung cấp các nguyên phụ liệu, sản phẩm phụ trợ, dịch vụ, cơ sở hạ tầng,… trong chuỗi cung ứng dệt may.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt để quyết định vấn đề doanh nghiệp có trụ vững được hay không, chính là nội lực, là năng lực quản trị, sản xuất của chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và tính thuận thiện, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của hiệp hội, ngành nghề trong việc liên kết doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh của cộng đồng trong thời kỳ phát triển, hội nhập kinh tế. Trong năm năm 2017, thị trường giấy và bột giấy đã chứng kiến việc chính phủ Trung Quốc ngừng hoạt động một loạt nhà máy giấy do vấn đề về môi trường, dẫn đến việc giá giấy bị đẩy lên cao, tăng khoảng 20% - 30% so với năm trước, tác động trực tiếp đến ngành sản xuất bao bì.

Trước biến động đó, Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam đã ngồi lại cùng với Hiệp hội bao bì Việt Nam có những tháo gỡ và ưu tiên giấy nguyên liệu cho thị trường trong nước, ổn định nguồn cung cho các doanh nghiệp sản xuất Bao Bì. Do vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức này.

Trường hợp có những doanh nghiệp Việt Nam được các doanh nghiệp ngoại đổ vốn đầu tư hay chào mua với một mức giá hấp dẫn thì chúng ta cũng cần có một cái nhìn tích cực. Thay vì suy nghĩ việc mua bán, sáp nhập là mất quyền làm chủ, thì đây cũng có thể là một cơ hội cho các bạn tiếp cận được với văn hóa quản trị doanh nghiệp tiến bộ, hiện đại, phù hợp xu thế phát triển của thế giới do các doanh nghiệp ngoại mang đến, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình.

Ngoài sức mạnh nội tại của DN, theo ông, các DN còn cần phải được hỗ trợ thêm về những vấn đề gì khác nữa?

Để khuyến khích, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, ban hành Luật hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách ưu đãi thuế cho các khu vực địa bàn khó khăn, thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tìm kiếm và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo, giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp,…

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam từ nay đến năm 2020 là xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm động lực phát triển của nền kinh tế, tăng cường khởi sự doanh nghiệp.

Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để các chính sách hỗ trợ này đến được với các doanh nghiệp, đưa vào ứng dụng thực tiễn, được các doanh nghiệp tận dụng triệt để, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của chính doanh nghiệp.

>> Doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội "đảo chiều!"

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...