“Con tàu TPP” đang tròng trành trước “cơn sóng” Donald Trump
Một số chính sách được Trump công bố sẽ thực hiện nếu đắc cử tổng thống như: Rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP (hiện chưa được Quốc hội Mỹ thông qua), đàm phán lại các hiệp định thương mại theo hướng có lợi cho người lao động Mỹ, đe doạ rút khỏi hiệp ước nếu lợi ích nước Mỹ không được đảm bảo…
Trong các biện pháp mà Trump đưa ra, có vẻ việc rút khỏi hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam. Trong một nỗ lực cuối, Tổng thống Obama hứa sẽ cố gắng vận động để Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi Trump nhận chức vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích đều cho rằng sau thắng lợi của Trump, việc này là bất khả thi. Nếu Mỹ, nước quan trọng nhất trong TPP, dừng lại, 11 nước còn lại cũng không có lựa chọn nào khác.
Trong quá trình tranh cử, cả ông Trump và bà Clinton đều bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với Hiệp định TPP. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump về TPP nói riêng và chính sách thương mại của chính phủ Mỹ nói chung tới nền kinh tế quốc tế và Việt Nam khiến các quốc gia cảm thấy bất an hơn nhiều.
Một ý kiến rất sắc bén của tiến sỹ Lê Hồng Giang khi so sánh giữa hai ứng cử viên, cho rằng, Trump là người theo “chủ nghĩa bảo hộ” (protectionism). Về cơ bản, lợi ích của người lao động nội địa và hàng hoá nội địa phải được đặt lên hàng đầu và ông cho rằng những hiệp định thương mại tự do được không có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Vì vậy, Trump muốn xoá bỏ các hiệp định đó và đánh thuế thật cao lên hàng nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa. Hàng xuất khẩu của các nước (cả Việt Nam) vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể Trump sẽ gây sức ép với giới doanh nghiệp không được outsource (gia công) ra nước ngoài. Quan điểm này trái ngược với quan điểm truyền thống của đảng Cộng Hòa và là một trong các lý do hầu hết các nhà kinh tế nghiêm túc (dù quan điểm chính trị thiên tả hay thiên hữu) đều không ủng hộ ông ta.
Nếu ông Trump vẫn giữ quan điểm thì không chỉ Việt Nam, các nước đã ký TPP và cả bản thân Mỹ cũng sẽ “thua” trong ván cờ TPP.
Trump đánh vào tâm lý chán chường của dân Mỹ và hứa với họ những thắng lợi trong ngắn hạn mà việc bảo hộ đem lại, nhưng về lâu dài, nước Mỹ không thể mạnh lên một mình. Trên thực tế, trên 90% thị trường của các doanh nghiệp Mỹ là nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Việc khơi mào ra một cuộc chiến thương mại không làm cho nước Mỹ mạnh hơn, nước khác yếu đi mà sẽ là sự thua thiệt cho kinh tế thế giới nói chung.
Với việc ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức, tất cả các nước thành viên TPP đều đang hồi hộp theo dõi các diễn biến tiếp theo. Nếu ông Trump vẫn giữ quan điểm thì không chỉ Việt Nam, các nước đã ký TPP và cả bản thân Mỹ cũng sẽ “thua” trong ván cờ TPP.
Khuất Tuấn Anh
(Co - Founder TranQuil Book & Coffee)