Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, trong quý 1, doanh số ngành sữa Việt Nam giảm 4,4% ở khu vực thành thị. Dù doanh số ở nông thôn tăng 4%, việc nhu cầu sữa ở thành thị giảm dần cho thấy tín hiệu thị trường sữa đã bão hòa, đặc biệt là nhu cầu ở mảng sữa bột liên tục giảm trong thời gian qua.
Đây là một tin không vui cho các doanh nghiệp ngành sữa như Vinamilk. Sau 6 tháng đầu năm, các mảng kinh doanh hiện hữu của Vinamilk, từ sữa bột cho tới sữa chua đều đang bị cạnh tranh quyết liệt.
Ở mảng sữa bột, sản phẩm đóng góp 26% doanh thu và 28% lợi nhuận gộp của Vinamilk trong năm 2017. Hiện Vinamilk đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 27%. Abbott đứng thứ 2 với 17% và tiếp theo là Friesland Campina với 12% thị phần.
Trong khi thị phần của cả Abbot và Friesland Campania ở phân khúc cao cấp vẫn duy trì ổn định trong 3 năm qua, thì Nutifood nổi lên thành một nguy cơ lớn đối với Vinamilk ở phân khúc bình dân.
Không đánh đại trà mà sản phẩm của Nutifood tung ra hướng tới một nhóm đối tượng nhất định, thường gọi với cái tên ‘sữa đặc trị’, chuyên dành cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng hay người già.
Dẫn phân tích của Nielsel Việt Nam, Nutifood cho biết sản phẩm GrowPLUS+ của NutiFood hiện là nhãn hiệu đứng đầu về thị phần sản lượng, chiếm 39,3% trong phân khúc sữa bột đặc trị dành cho trẻ em trên toàn quốc.
Riêng về lĩnh vực sản phẩm sữa bột pha sẵn, GrowPLUS là nhãn hiệu đứng đầu thị trường Việt Nam về thị phần, chiếm 37,4% so với mức 19,1% so với nhãn hàng có thị phần cao thứ hai.
Nhờ sản phẩm đặc thù, kết hợp với mức giá trung bình thấp hơn 10 – 15% so với Vinamilk, Nutifood đang dần có được thị phần trên thị trường sữa bột.
Nếu năm 2014, thị phần sữa bột của Nutifood chỉ khoảng 10% thì trong năm 2017, con số này đã tăng lên 15%, chủ yếu đánh vào phân khúc trung bình thấp.
Sữa nước – sản phẩm chủ lực nhất của Vinamilk, đóng góp khoảng 42% doanh thu và 42% lợi nhuận gộp trong năm 2017 ít bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp nước ngoài hơn so với mảng sữa bột nhờ doanh nghiệp trong nước có lợi thế về nguồn cung.
Dù đứng đầu và nắm áp đảo thị phần trong lĩnh vực sữa nước, Vinamilk vẫn phải đối mặt với khá nhiều tên tuổi lớn trong ngành là Friesland Campina, TH Milk, Nestle, IDP và Mộc Châu.
Trong khi sữa bột và sữa nước là 2 sản phẩm truyền thống thì sữa chua được xem là sản phẩm mới và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư để giành thị phần.
Thị trường sữa chua tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân hàng năm là 13,1% trong 5 năm qua và tăng 16% trong năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân ngành sữa.
Từng giữ vị thế áp đảo hoàn toàn với 90% thị phần trong năm 2012, Vinamilk phải san sẻ miếng bánh sang cho nhiều đối thủ khác. Doanh nghiệp lớn thứ hai trong mảng này là Friesland Campina với khoảng 9% thị phần. Trong khi đó các đối thủ mới như IDP và TH Milk đã gia nhập ngành với nhiều đột phá trong sản phẩm.
KDC cũng đã tung ra thị trường sản phẩm mới, là sữa chua đá. Báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán đánh giá, thị phần của Vinamilk trong mảng sữa chua sẽ tiếp tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 80 – 83% thị phần trong vài năm tới.
Theo The Leader