Cự thể, xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống nhập về Việt Nam chủ yếu xuất xứ ASEAN chiếm 92%, trong đó, cao nhất là từ Thái Lan với khoảng gần 35.000 chiếc và 23.000 chiếc từ Indonesia.
Tuy tăng mạnh số lượng nhưng kim ngạch nhập khẩu không tăng tương ứng do giá xe giảm hơn 4.000 USD/xe. Dự kiến, nhập siêu ngành ô tô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD do các doanh nghiệp tranh thủ ưu đãi về thuế quan và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo do nhu cầu trong nước tăng mạnh.
Trước số lượng xe nhập khẩu tăng đến hơn 500% trong nửa đầu năm, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc nhập khẩu tăng mạnh cũng tác động đến sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Các doanh nghiệp tranh thủ cơ hội ưu đãi thuế quan để tăng sự cạnh tranh áp lực tăng đối với doanh nghiệp nội địa.
Ông yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát lại việc nhập khẩu và phân tích về hiện tượng tăng nhanh số lượng nhập ô tô về Việt Nam. Còn Cục Công nghiệp được yêu cầu rà soát đánh giá chung trong bối cảnh phát triển công nghiệp ô tô trong nước, tính toán các phương án, dư địa có thể sử dụng (thuế nội địa, thực thi cam kết hội nhập) nhằm hài hoà lợi ích quốc gia, phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong khi đó, Cục Công nghiệp kiến nghị việc sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có qui mô lớn có kèm chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.
Đồng thời, Cục cũng đề xuất sửa đổi quy định theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.