"Oằn mình" chống dịch, ngành ngân hàng đối mặt nguy cơ lớn?

Trước nguy cơ nợ xấu đã và đang rình rập, các ngân hàng đồng loạt phải cắt xén lợi nhuận, giảm lương cán bộ, nhân viên... để tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua mùa dịch.

Cách đây không lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đưa ra nhận định về việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng chắc chắn tăng trong bất kỳ trường hợp nào. Kịch bản tốt nhất là dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020.

Nếu dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. Thậm chí, nợ xấu có thể còn cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém. 

Hệ quả nhãn tiền? 

Trong báo cáo tài chính quý I vừa công bố của Vietcombank cho thấy, khi tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ quanh ngưỡng 0,8%, tương đương cuối năm 2019, thì dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của nhà băng này tăng gần gấp đôi lên hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là những khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng. Vietcombank cũng đã mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện giảm lãi suất cùng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, dự báo kết quả kinh doanh của Vietcombank có thể còn gặp khó khăn trong các quý tiếp theo. Lợi nhuận ngân hàng chia sẻ cho khách hàng năm nay dự kiến trên 2.240 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế quý I sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.

Nợ xấu tính đến 31/3/2020 ở mức 6.045 tỷ đồng, tăng hơn 313 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%. Trong bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ mức 826 lên 1.501 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) quý I/2020 giảm 13,8 tỷ đồng, tương đương 23,25% so với cùng kỳ, xuống còn 45,5 tỷ đồng.

Dù vậy, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu của Kienlongbank không nằm ở những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra mà lại ở sự tăng vọt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí này trong quý I/2020 đã lên đến 68,8 tỷ đồng, tăng mạnh 3.646% so với cùng kỳ 2019. Đây là chi phí dành cho các khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được NHNN phê duyệt.

Áp lực bủa vây!

Không chỉ nợ xấu, lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng chịu áp lực đáng kể theo nhận định của Fitch Ratings. Nhu cầu tín dụng giảm khiến thu nhập từ lãi của ngành này bị ảnh hưởng. Các chính sách cơ cấu nợ, giảm mạnh lãi vay cũ và mới trong khi lãi suất tiết kiệm giảm không nhiều sẽ gây áp lực lên lợi nhuận.

4 ngân hàng quốc doanh mới đây được dự báo sẽ giảm 40% lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, theo chỉ đạo của Thống đốc. Tới nay, nhà băng dẫn đầu hệ thống đã giảm ít nhất 2.200 tỷ lợi nhuận để chia sẻ khó khăn, giảm lãi suất cho khách hàng.

Theo tính toán của Viện đào tạo & nghiên cứu BIDV, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng sẽ bị giảm 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 21-25% so với năm ngoái. 

Còn Công ty chứng khoán SSI ước tính kết quả lợi nhuận thiếu khả quan của ngành ngân hàng sẽ được phản ánh rõ vào quý II/2020 khi thu nhập lãi, phí và thu hồi nợ xấu giảm xuống. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng 7,2% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II. Trong kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh diễn biến đến cuối năm, lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ tăng 0,8%.

Đứng trước những khó khăn trên, hiện một số ngân hàng như SHB, HDBank, Sacombank... đã phải giảm lương cán bộ, nhân viên, trong đó có nơi giảm đến 50% lương lãnh đạo cấp cao để tiết giảm chi phí.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc quản trị rủi ro tín dụng của một ngân hàng, việc tái cơ cấu hay cho vay có thể cứu những doanh nghiệp khó khăn tạm thời trong một - hai kỳ. "Nhưng với những doanh nghiệp sức chống chịu kém và không thích nghi kịp thì việc giãn nợ cũng chỉ mang tính kéo dài thời gian chết vì cơ bản thị trường đã không còn như xưa", ông nói. 

Trước đó, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định "ngành ngân hàng năm nay sẽ rất khó khăn". Vì vậy, ngoài những giải pháp trên các nhà băng cũng phải nâng cao sức chống chịu và tuân thủ theo quy định Basel II, bằng cách tiếp tục tăng vốn điều lệ - vốn được xem tấm đệm phòng bị rủi ro. Không thể vì bối cảnh dịch bệnh mà sao nhãng những kế hoạch nằm trong lộ trình, ông nói. 

Ông cũng cho rằng, các nhà băng nên tận dụng thời điểm nhu cầu giao dịch ngân hàng số tăng trong mùa dịch để phát triển dịch vụ. Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho những lĩnh vực như thiết bị y tế, sản xuất khẩu trang... và các ngành phát triển mạnh sau dịch. 

Có thể bạn quan tâm