OCB dự kiến phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức

Mới đây, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB) đã thông qua việc triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
OCB dự kiến phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức

Theo đó, OCB dự kiến phát hành thêm hơn 273,9 triệu cổ phiếu OCB để thực hiện trả cổ tức năm 2020. Nguồn vốn phát hành được trích từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31.12.2020 theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán.

Cổ phiếu phát hành để trả cổ tức sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị. Số lượng cổ phần lẻ cộng dồn phát sinh sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định phân phối hết vào quỹ phát triển nguồn nhân lực do Công đoàn OCB đứng tên.

Thời hạn dự kiến phát hành trong năm 2021, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ phiếu của OCB.

Tỉ lệ phát hành (số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành/số lượng cổ phiếu đang lưu hành) là 25%. Tỉ lệ thực hiện quyền là 4:1, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền và cứ 4 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới.

Như vậy, với quy định lô giao dịch 100 cổ phiếu như hiện tại, để không phát sinh cổ phiếu lẻ, nhà đầu tư cần sở hữu số lượng cổ phiếu OCB là bội số nguyên của 4, ví dụ như 400 cổ phiếu, 800 cổ phiếu,…

Khởi đầu năm 2021, OCB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HOSE với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động ngày đầu tiên là +/- 20%.

Phát biểu tại buổi lễ chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB cho biết “Niêm yết cổ phiếu OCB trên HOSE là sự kiện rất quan trọng đối với Ngân hàng và nằm trong lộ trình phát triển đã được hoạch định của chúng tôi. Với mục tiêu huy động vốn để đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình phát triển nhanh trong giai đoạn tăng trưởng mới. Tăng cường tính minh bạch và thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông cũng như khẳng định nội lực và giá trị sẵn có của Ngân hàng.”

Có thể bạn quan tâm