Omicron đã có mặt ở Châu Âu từ trước khi Nam Phi tuyên bố phát hiện ra biến thể Covid-19 mới

Các quan chức y tế Hà Lan cho biết biến thể Covid-19 Omicron đã có mặt ở Hà Lan một tuần trước khi hai chuyến bay đến từ Nam Phi mang theo virus, đặt ra câu hỏi cho dòng thời gian xuất hiện thực của biến chủng này.

Biến thể Omicron đã được xác nhận trong hai mẫu xét nghiệm được lấy vào ngày 19/11 và ngày 23/11, Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia (RIVM) cho biết hôm 30/11.

Nhà virus học Chantal Reusken nói với đài truyền hình quốc gia Hà Lan rằng một trong hai người này “có thể đã nhiễm virus ở Hà Lan. Còn chính xác như thế nào thì vẫn đang được điều tra."

Các nhà chức trách Hà Lan trước đó tin rằng những trường hợp đầu tiên của biến thể Omicron đã đến vào ngày 26/11 sau khi 14 hành khách trên các chuyến bay từ Johannesburg và Capetown có kết quả xét nghiệm dương tính.

Omicron, còn được gọi là B.1.1.529, có số lượng đột biến cao bất thường, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể trốn tránh vaccine và làm kéo dài đại dịch.

Hai trường hợp mới được phát hiện ở Hà Lan đã nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể Omicron lên 16 trường hợp, RIVM cho biết. Cho đến nay, đã có ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có biến thể Omicron, trong đó mới nhất là Brazil.

Ít nhất 70 quốc gia, trong số đó có Hoa Kỳ, đã áp đặt các hạn chế đi lại mới từ một số quốc gia châu Phi sau khi Omicron lần đầu tiên được các nhà khoa học Nam Phi xác định. Nhưng nhiều chuyên gia y tế đã bác bỏ lý do đằng sau các lệnh cấm, với các nghiên cứu cho thấy rằng việc hạn chế đi lại có thể chỉ làm chậm sự xuất hiện của một loại virus hoặc biến thể mới trong vài tuần.

Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm đi lại làm tổn thương các nền kinh tế và không khuyến khích các quốc gia thẳng thắn về việc báo cáo các loại virus hoặc biến thể mới.

WHO một lần nữa kêu gọi các quốc gia tránh thực hiện lệnh cấm du lịch, nói rằng họ không "ngăn chặn sự lây lan quốc tế" và "tạo gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế." Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết: “Việc áp dụng các lệnh cấm du lịch nhắm vào châu Phi sẽ tấn công sự đoàn kết toàn cầu. Chúng ta sẽ chỉ cải thiện được tình hình đại dịch nếu tất cả cùng nhau tìm giải pháp.”

Có thể bạn quan tâm