Đó là khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về mở cửa kêu gọi bà con Việt kiều về nước đầu tư đã được triển khai sâu rộng trong thực tế. Hơn hai mươi năm lăn lộn với thương trường, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc đã ghi dấu ấn của mình trên những lĩnh vực khác nhau - từ giáo dục, sản xuất và xuất khẩu đến những dự án phát triển đô thị mà khu Đô thị Đại Sơn thuộc TP. Chí Linh, Hải Dương là thành công lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của ông tại Việt Nam.
Nói về những năm đầu gian khó khi trở về Việt Nam mở công xưởng sản xuất, ông luôn tỏ lòng tri ân với những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những cán bộ, công chức ngoại giao, lãnh đạo địa phương… đã tạo điều kiện cho những người con xa xứ như ông được trở về quê nhà làm ăn, phát triển sự nghiệp. Ông cũng bày tỏ lòng tri ân đặc biệt đến cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã cho ông những lời khuyên chân tình để ông có đủ lòng tin và dũng khí để triển khai nguồn tiền vào các dự án đầu tư tại Việt Nam. Ông từng rất đau buồn khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ra đi hai năm trước sau cơn bạo bệnh.
Ngày hôm nay, nghe tin bà Nguyễn Thị Bích - phu nhân của cố Tổng Bí thư cũng nhẹ gót về với tiên tổ, thông qua tạp chí Thương Gia – đối tác đồng hành thân thiết của ông, ông đã chia sẻ lòng tiếc thương, tri ân của mình với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và người vợ thân yêu của ông. Thương Gia trân trọng ghi lại để cùng chia sẻ với bạn đọc.
Sớm nay trên đường đi làm, trời se lạnh, người em thân thiết với gia đình tôi nhiều năm báo tin mẹ em mất rồi. Trời mùa đông và đông cứng trong tôi. Hình ảnh của bà, cụ lại hiện về trong tim tôi những năm tháng cuối thập niên 90s khi ấy tôi trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư sau một đôi lần thất bại.
Cuối năm 1998, tôi có quen một cậu em, lúc ấy tôi chỉ biết cậu em là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, anh em chúng tôi thân nhau bởi hợp nhau về nhiều ý tưởng và quan trọng nhất chúng tôi tìm thấy nhau là những người tử tế, đáng tin cậy.
Rồi một ngày cậu em mời tôi đến nhà chơi, căn nhà nằm trên đường Lý Nam Đế, thủ đô Hà Nội, ngày ấy chỉ nghe tới tên đường và dân cư sống trên con đường ấy đã là niềm tự hào của nhiều người trong đó có tôi. Tôi đã đến căn nhà ấy vào ngày nghỉ cuối tuần cũng vào cuối thu năm 1998, căn nhà số 36B Lý Nam Đế. Và, tôi thảng thốt có thể nói là sợ hãi bởi nghe cậu bảo vệ nói đây chính là nhà Tổng Bí thư Đảng CSVN ông Lê Khả Phiêu.
Tôi gặp phu nhân của Tổng Bí thư, mẹ của người em là bạn thân của tôi. Lần đầu gặp bà, một người phụ nữ xinh đẹp, giọng nói nhẹ nhàng mang âm hưởng của cô gái Hà thành, của người phụ nữ cả đời tần tảo nuôi con thay chồng trong những năm dài ông khoác áo bộ đội Cụ Hồ dọc ngang chiến trường khói lửa Miền Nam, Lào, Campuchia.
Cũng từ đó bà rất quý tôi mỗi lần tôi đưa vợ con đến thăm ông bà, bà kể tôi nghe nhiều lắm về ngày xưa khi bà còn là cô giáo, khi bà hạ sinh được 3 người con (2 trai 1 gái), tất cả con bà đều theo nghiệp cha trở thành những người lính bộ đội Cụ Hồ. Với sự tín nhiệm cũng như niềm tin của bà và gia đình đã trao gửi cho tôi, tôi chỉ biết thầm nói với lòng mình, với trái tim mình rằng ơn tri ngộ và lòng biết ơn này tôi sẽ mang trọn vẹn cho đến cuối cuộc đời.
Ngày 29/10/2022, Bà cưỡi hạc qui tiên về trời, về với ông sau 2 năm 2 tháng 22 (07/08/2020) ngày xa vắng, nơi đó ông đang chờ đón bà, một người vợ, một cô giáo, một người phụ nữ cả đời vì chồng con, cả đời cố gắng vượt qua biết bao gian lao khó nhọc. Một mệnh phụ phu nhân của nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang sống trong sự yêu thương của con cháu, của bạn bè. Bà sống một cuộc đời bình dị, chan hoà yêu thương, bao dung và độ lượng với mọi người. Lòng tôi chùng xuống, lắng đọng để tưởng nhớ bà, tưởng niệm lại những năm tháng đã qua và những gì bà và gia đình bà đã trao gửi cho tôi.
Xin được cúi đầu thật thấp để tri ân sâu sắc và tiễn biệt bà.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc
Công ty CP Phát triển và Đầu tư Đại Sơn