"Ông chủ" của Nước sạch Sông Đà: Sở hữu nhiều bất động sản khủng, nợ cũng... tương đương

Tính đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của Viwasupco bao gồm Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex giữ tỷ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là CTCP Cơ điện lạnh (REE) với 35,95% cổ phần.
"Ông chủ" của Nước sạch Sông Đà: Sở hữu nhiều bất động sản khủng, nợ cũng... tương đương

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao và bức xúc trước việc nguồn nước của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định...

Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an khẩn trương điều tra vụ việc nguồn nước sạch bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch cho người dân từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng.

Phác họa hệ sinh thái Gelex

Được biết, Viwasupco tiền thân là CTCP Nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng CTCP Vinaconex) được thành lập tháng 3/2009. Đến ngày 1/2/2018 được đổi tên thành CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà.

Tính đến ngày 31/12/2018, cơ cấu cổ đông của Viwasupco khá cô đặc khi Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Enery) giữ tỷ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là CTCP Cơ điện lạnh (mã: REE) với 35,95% cổ phần. Đáng chú ý, Gelex Enery có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỷ đồng, do Gelex giữ 100% vốn

Trước đó, tháng 12/2017, Công ty Sinh Thái đã mua thành công 8,2 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên quá bán 50,42%. Tuy nhiên, chỉ đúng 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, Công ty Sinh Thái bất ngờ đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu và bán thành công vào ngày 4/1/2018.

Sau Gelex Energy và REE thì MB Capital và quỹ MBVF (thuộc MB Capital) có 3,3 triệu cổ phần, tương đương 6,6%. Tổng cộng 3 cổ đông lớn đang sở hữu 88,38% vốn Viwasupco. Còn lại 11,62%, tương đương 5,81 triệu cổ phần đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư khác.

Với lượng sở hữu lên tới hơn 60%, Gelex Energy đang là cổ đông chi phối của Nước sạch Sông Đà - đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, Gelex Engery đã tham gia đầu tư vào 3 dự án nguồn phát điện với tổng công suất 122MW (Thủy điện Canan 1,2, Thủy điện Sông Bung, Trang trại điện Mặt trời Ninh Thuận).

Nhiều năm qua, Gelex theo đuổi mô hình tăng trưởng bằng cách tham gia và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như sản xuất công nghiệp (thiết bị điện và vật liệu xây dựng); sản xuất điện tái tạo, logistics, bất động sản và khách sạn cao cấp, nước sạch.

Gelex tiền thân là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam ngày nay, được thành lập ngày 10/7/1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.

Tháng 12/2010, doanh nghiệp này được cổ phần hoá để trở thành Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vào tháng 12 năm 2010. Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. 

Trong 3 năm qua, Gelex đã đạt được sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018, Gelex đạt gần 13.700 tỷ đồng doanh thu và đạt hơn 1.533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm trước đó và góp tên vào danh sách câu lạc bộ doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ.

Khách sạn Melia là một trong những bất động sản mà "ông chủ" của Nước sạch Sông Đà đang nắm giữ
Khách sạn Melia là một trong những bất động sản mà "ông chủ" của Nước sạch Sông Đà đang nắm giữ

Sở hữu lượng bất động sản và nợ khủng

Ngoài kết quả kinh doanh tăng trưởng, Gelex còn gây chú ý với việc sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản khủng.

Điểm mặt các dự án bất động sản đã hoàn thành và đang khai thác trong hệ thống Gelex có thể kể tới như Gelex Tower (52 Lê Đại Hành); Khách sạn Melia Hà Nội; Khách sạn Bình Minh - Số 10 Trần Nguyên Hãn - Hà Nội.

Trong đó, Gelex Tower - 52 Lê Đại Hành là dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp văn phòng cho thuê của Gelex tại diện tích đất 1.937 m2 ở địa chỉ số 52 Lê Đại Hành, Hà Nội. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tổng diện tích xây dựng là 18.289 m2 với 3 tầng hầm và 22 tầng nổi.

Đối với Khách sạn Melia Hà Nội, Gelex hiện sở hữu 76,11% Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), HEM sở hữu 35% Công ty liên doanh SAS-CTAMAD - chủ đầu tư của Tổ hợp Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt.

Còn Khách sạn Bình Minh nằm tại vị trí số số 10 Trần Nguyên Hãn và 27- 29 Lý Thái Tổ, vị trí trung tâm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện Khách sạn vẫn đang hoạt động, tuy nhiên Gelex đã xây dựng Dự án phát triển tổ hợp Tổ hợp Khách sạn, Dịch vụ Thương Mại, Văn phòng cho thuê 5 sao với tổng diện tích đất lập dự án là 9.934 m2, dự kiến khởi công vào quý IV/2019.

Song song với việc “sở hữu” đất vàng nội đô, Gelex còn lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp khi liên tiếp gom cổ phiếu VGC của Viglacera, hiện đạt tỷ lệ sở hữu là gần 25%.

Để mở rộng hoạt động kinh doanh, Gelex cũng tăng cường vay nợ hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.  Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2019, nợ phải trả của Gelex ghi nhận 12.299 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 1.514 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 954 tỷ đồng. Khoản mục Phải trả ngắn hạn khác cũng tăng sốc gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu do tăng số dư thư tín dụng (LC) phải trả ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu của Gelex tại ngày 30/6 tăng 4,1% (tương đương 324 tỷ đồng) so với ngày đầu năm, đạt 8.289 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của công ty thời điểm cuối quí II là gần 60%, trong khi ngày đầu năm con số này là gần 54%.

Theo BCTC quý II của Gelex cho thấy, nợ của Gelex tăng vọt là do khoản mục đầu tư tài chính dài hạn, tăng thêm 2.590 tỷ đồng tăng lên 4.328 tỷ đồng. Đây chính là khoản tiền mà Gelex bỏ ra để mua gần 112 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera.

Nhìn vào các chỉ số tài chính của Gelex cho thấy, hầu hết các tài sản của doanh nghiệp hình thành trên vay nợ, đây là điều khó khăn cho doanh nghiệp này khi tiếp tục bành trướng và triển khai mạnh các thương vụ M&A.

Thậm chí, một chuyên gia tài chính còn cho biết, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu càng càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp đó an toàn, ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn nhìn từ Gelex nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng cao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm