Chiều 14/5, Văn phòng Quốc hội có thông cáo cho biết, tại phiên họp thứ 24 cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật, đối với ông Đinh La Thăng - ĐBQH khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh - ĐBQH khóa XIV tỉnh Quảng Nam.
Theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh, để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định.
Ngày 22/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh.
Tiếp đến, ngày 29/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào OceanBank.
Hai bị cáo đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân Cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Căn cứ quy định tại Điều 355, Bộ luật tố tụng hình sự: "Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án".
Đồng thời, theo Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật".
Như vậy, hai ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Tại phiên tòa phúc thẩm liên quan đến sai phạm tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vừa kết thúc, ông Đinh La Thăng bị y án 13 năm tù giam và phải bồi thường 30 tỉ đồng. Trong khi, ông Nguyễn Quốc Khánh bị tuyên án 7 năm tù.