Tròn 1 tháng kể từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam, hôm nay 8/1, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản”. Lịch sử ngành tư pháp chưa khi nào có một phiên tòa đặc biệt như thế. Lịch sử Đảng chưa khi nào mất một cán bộ đau xót như thế. Lần đầu tiên, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị điều tra, truy tố.
“Tướng quân ra trận phải được toàn quyền”. Bên hành lang Quốc hội năm nào, hình ảnh ông Đinh La Thăng với phát ngôn thẳng thắn vẫn còn văng vẳng. Khẳng khái, quyết liệt trên những công trình giao thông trọng điểm, xuất hiện kịp thời ở những vụ tai nạn thương tâm, thẳng tay “trảm tướng” hay loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực…Trong vai trò tư lệnh ngành giao thông, ông Đinh La Thăng đã được kỳ vọng rất nhiều.
Rồi ông được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, giữ vai trò “tư lệnh” thành phố đầu tàu cả nước, đang nỗ lực cùng Đảng bộ và nhân dân thành phố tìm lại hình ảnh của “Hòn Ngọc Viễn Đông” thủa nào. Nhưng, tất cả đã dừng lại như một dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.
“Trước Ban chấp hành Trung ương, tôi xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng chí Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương”. Đó là những lời cuối cùng của ông Đinh La Thăng trước khi rời TP. Hồ Chí Minh. Ông đã phải trả giá cho những sai phạm của mình trong quá khứ. Không chỉ nhận hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ khỏi Đảng, ông Đinh La Thăng sẽ phải đối diện với hình phạt cao hơn là tước quyền công dân.
Ông Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa - Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ
Hai năm sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều cán bộ cao cấp đã bị xử lý, trong đó không ít cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “chống tham nhũng, tiêu cực phải làm từ trên xuống dưới, quyết liệt, bền bỉ, tạo chuyển biến rõ nét, nếu không hậu quả sẽ khôn lường” và “chẳng thích gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót”.
Đau xót nhưng không thể không làm. Giờ đây, nhân dân có thể trả lời câu hỏi, chống tham nhũng là đánh “từ đầu trở xuống” hay “từ vai trở xuống”.
Không phải cứ hạ cánh là an toàn, cứ luân chuyển là được bình yên, tại vị. Pháp luật công bằng với mọi công dân, dù người đó là ai, làm gì. Tiền của nhà nước không phải để các nhóm lợi ích thao túng, không thể chui vào túi người này, người kia. Họ phải có trách nhiệm bồi hoàn cho nhân dân những khoản tiền “không trong sáng” đó.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm sẽ là một phiên tòa đặc biệt. Không chỉ xuất hiện nhiều gương mặt một thời "đình đám", mà ở đó, nhiều cái mới lần đầu tiên sẽ được áp dụng như: không có vành móng ngựa, đại diện Viện kiểm sát ngồi đối diện các luật sư, đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội. Quyền tranh tụng tại tòa sẽ tiếp tục được phát huy, đảm bảo quyền con người và phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được dẫn giải đến tòa
Lò đã nóng, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên chiến với giặc nội xâm. Sự thật đó nhân dân thấy rõ. Nhưng đây đó, vẫn còn những kẻ xấu muốn lợi dụng thực tế này để rêu rao về những cuộc “thanh trừng nội bộ”, đấu đá bè cánh, gây tâm lý hoang mang, bất ổn. Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm sẽ làm rõ công, tội của các cá nhân, tập thể và chỉ xét xử những ai vi phạm pháp luật.
Cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều gian nan phía trước, lâu dài và bền bỉ nhưng tinh thần chung là “không có trở ngại nào, sức ép nào”. Nhiều vụ đại án sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử. Cùng với việc Đảng ban hành nhiều quyết định liên quan đến việc kỷ luật cán bộ, quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ…Những chuyển biến tích cực đó được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.
Mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả. Và ngược lại, có được niềm tin của nhân dân là có được sự bền vững của chế độ.
Theo VOV.VN