Việt Phát là doanh nghiệp được thành lập năm 2008. Khởi đầu từ một doanh nghiệp vận tải nội địa, Việt Phát hiện đã phát triển mạnh thành doanh nghiệp kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và các dịch vụ vận tải nội địa tại Việt Nam.
Các mảng kinh doanh chính của Việt Phát hiện tại gồm có quặng sắt, than và các sản phẩm khác, than nhập khẩu, phụ gia xi măng, dịch vụ kho bãi, dịch vụ ủy thác nhập khẩu, dịch vụ khai thác và kinh doanh cầu cảng, sơ luyện quặng sắt nguyên khai và cả các hoạt động trong mảng bất động sản.
Nợ “ăn đứt” tài sản
Theo BCTC đã được kiểm toán của Việt Phát, năm 2019, công ty ghi nhận gần 2.300 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 55 tỷ đồng, tăng hơn 32%. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh đúng thực tế bởi Việt Phát đã điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC năm 2018 dẫn đến thay đổi số liệu so sánh của BCTC năm 2019.
Điều này đã được Kiểm toán viên nêu ý kiến nhấn mạnh. Theo đó, Việc điều chỉnh này dẫn đến giảm giảm 17,2 tỷ đồng tiền thuế. Như vậy, nếu khoản thuế 17,2 tỷ đồng nếu không được hồi tố vào chi phí năm 2018, mà đưa vào chi phí năm 2019, thì lợi nhuận sau thuế năm 2019 không phải là 55 tỷ đồng, mà chỉ còn 38 tỷ đồng, tăng trưởng âm 35,3% so với năm 2018.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Việt Phát đạt 1.916 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2018. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của Việt Phát chính là con số nợ phải trả lên tới 1.569 tỷ đồng, chiếm gần 82% tổng tài sản; trong đó nợ ngắn hạn chiếm ưu thế với 1.496 tỷ đồng, gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, trên BCTC của Việt Phát có một doanh nghiệp thường xuyên xuất hiện trong các khoản mục phải thu phải chi của công ty, có thể gọi là khách hàng thân thiết là Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung ( Công ty Việt Trung).
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Công ty Việt Trung đã gây xôn xao dư luận khi phát đi thông cáo báo chí hủy bỏ kết quả cuộc đấu giá 800.000 tấn quặng ngày 21/4. Được biết, trước khi phiên đấu giá bị hủy, Việt Phát là người đã có được quyền mua lô hàng với giá 429 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù lô hàng mang ra đấu giá rất lớn, song chỉ có 2 đơn vị tham gia đấu giá (1 trong đó là Việt Phát), nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này không hề biết đến phiên đấu giá để đăng ký tham gia.
Việt Trung là liên doanh được thành lập giữa các pháp nhân Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng là 1 trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Bên Việt Nam, hiện đang nắm tổng cộng gần 55% vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) sở hữu 47% vốn, còn lại là CTCP Khoáng sản Lào Cai.
Tài sản đảm bảo “lạ”
Tất nhiên, đã gọi là khách hàng thân thiết thì ngoài thương vụ đấu giá kể trên, Việt Phát còn thực hiện nhiều nghiệp vụ “bán chịu” cho Việt Trung với những hợp đồng hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở mức độ giao dịch, từ năm 2018, Việt Phát còn tận dụng khoản nợ của Việt Trung là 175,4 tỷ đồng như là một tài sản đảm bảo để vay ngân hàng theo điều 22 nghị định 163/2006/NĐ-CP. Việt Phát đã thế chấp quyền đòi nợ này để vay VPBank vốn, phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.
Sang năm 2019, số nợ của của Việt Trung tại Việt Phát tăng lên 279 tỷ đồng. Việt Phát lại tiếp tục dùng tài sản phải thu khách hàng này để thế chấp quyền đòi nợ vay tiếp VPBank gần 257 tỷ đồng trong ngắn hạn với mục đích tương tự.
Vì những khoản “bán chịu” cho Việt Trung đã được dùng làm tài sản đảm bảo để vay ngân hàng, nên khi Việt Trung có mối hàng bán lại cho Việt Phát thì không thể trừ nợ trực tiếp được nữa, mà sẽ hạch toán vào khoản kế toán 331 – Phải trả người bán số tiền 214 tỷ đồng.
Như vậy, một mũi tên trúng 2 đích, thay vì trừ nợ cho nhau, thì Việt Phát có thể dùng chính khoản nợ của Việt Trung làm tài sản đảm bảo vay ngân hàng, vừa tăng tổng tài sản trong năm 2019 vừa vay được vốn, tăng đòn bẩy tài chính thay vì loay hoay với số vốn tự có.
Ngoài tài sản thế chấp quyền đòi nợ, Việt Phát còn sử dụng lượng lớn hàng tồn kho (chiếm 30,4% tổng tài sản) làm tài sản đảm bảo với giá trị 265 tỷ đồng để vay vốn ngân hàng.
Hồi giữa tháng 4 vừa qua, Việt Phát đã chốt danh sách cổ đông phát hành gần 26,45 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Mục đích phát hành nhằm nâng cao năng lực về vốn tương xứng với tổng giá trị tài sản hiện tại mà công ty đang sở hữu.
Đồng thời để tái cơ cấu nguồn vốn, nâng cao tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo an toàn về mặt tài chính. Hiện, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPG đang giao dịch tại mức giá 18.800 đồng/cp (giá đã điều chỉnh).
Về cơ cấu cổ đông, tính đến 2/8/2020 Việt Phát có 4 cổ đông lớn đều là các cá nhân, nắm giữ 56,6% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty đây cũng đều là các lãnh đạo công ty.
Trong đó cổ đông lớn nhất, ông Nguyễn Văn Bình, là Chủ tịch HĐQT của Việt Phát. Ngoài ra bà Lê Thị Thanh Lệ, cổ đông lớn sở hữu 10% vốn, là Thành viên HĐQT công ty cũng là vợ của ông Nguyễn Văn Bình.