Khoáng sản Tây Bắc bị thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản đồng

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định thu hồi 3 Giấy phép khai thác khoáng sản đồng của Công ty CP Molybden Việt Nam, nay là Công ty CP đầu tư khoáng sản Tây Bắc.
Khoáng sản Tây Bắc bị thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản đồng

Điểm đồng thuộc mỏ đồng vùng Vạn Sài – Suối Chát, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La (nguồn: monre.gov.vn)

3 Giấy phép thuộc diện thu hồi, gồm: Giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản đồng vùng Vạn Sài – Suối Chát phần thuộc huyện Phù Yên số 1568/QĐ-UBND ngày 2/7/2007; phần thuộc huyện Mộc Châu số 1569/QĐ-UBND ngày 2/7/2007; phần thuộc huyện Bắc Yên số 1570/QĐ-UBND ngày 2/7/2007.

Nguồn tin từ Bộ TN&MT cho biết, UBND tỉnh đã thu hồi mỏ đồng khu vực Vạn Sài – Suối Chát gồm 11 điểm, trong đó 8 điểm trên địa bàn huyện Phù Yên, 2 điểm tại huyện Mộc Châu và 1 điểm tại huyện Bắc Yên. Lý do thu hồi là chủ các Giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản đã vi phạm tiết c khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản 2010. UBND tỉnh Sơn La yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản Tây Bắc tổ chức đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đưa mỏ về trạng thái an toàn.

Trước đó, tỉnh Sơn La đã thành lập Đoàn thanh tra tình hình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc. Qua thanh tra, xác định: Dự án khai thác, chế biến, luyện kim quặng đồng tại mỏ đồng vùng Vạn Sài – Suối Chát của tỉnh Sơn La được UBND tỉnh cho phép Công ty này đầu tư và cấp 3 Giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đồng trên địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên và Mộc Châu, xây dựng Nhà máy luyện đồng kim loại Tây Bắc tại xã Gia Phù và xã Tường Thượng, huyện Phù Yên. Đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 3 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 3 mỏ đồng…

Tuy nhiên, đơn vị đã không bảo đảm tiến độ xây dựng Dự án Nhà máy luyện đồng kim loại Tây Bắc; không bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ. Không thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 3 năm (2015, 2016, 2017) với số tiền trên 45 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, DN không thực hiện các cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Không lập hồ sơ thuê đất tại các khu vực khai thác và lập hồ sơ thuê đất bổ sung với diện tích 10ha khu đất Nhà máy luyện đồng kim loại Tây Bắc tại bản Mới, xã Gia Phù, huyện Phù Yên…

Được biết,  Công ty Cổ phần Molybden Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Vinamotor - Việt Nam được thành lập ngày 20/12/2006 và chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc vào ngày 08/07/2010. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản.

Các sản phẩm truyền thống bao gồm vàng, quặng Molybden, tinh quặng sắt, quặng đồng và quặng Antimon. Hiện nay Công ty đã được cấp phép khai thác nhiều mỏ kim loại mầu với số lượng đảm bảo cho hoạt động khai thác trong vòng 30 năm. Công ty đang thực hiện khai thác 3 mỏ sắt nguyên khai, tinh quặng sắt; 3 mỏ quặng đồng lẫn vàng; 3 mỏ quặng vàng gốc; 1 mỏ quặng antimon và 1 mỏ quặng Molybden. Địa bàn khai thác chủ yếu thuộc các tỉnh khu vực Tây Bắc như Bắc Cạn, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên…

Lưu ý rằng, năm 2014, Công ty này (hiện do đại gia 8x Vũ Thành Long giữ cương vị Chủ tịch HĐQT) đã bị “tuýt còi” vì vấn đề đảm bảo an toàn môi trường, xả thải vào nguồn nước sông Đà trong quá trình vận hành, khai thác dự án chế biến quặng đồng (xã Tân Hợp, tỉnh Hòa Bình).

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...