Ông Nguyễn Quang Vinh: Áp dụng CSI giúp doanh nghiệp hồi phục tốt hơn khi đại dịch được kiểm soát

"CSI là bộ chỉ số giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn để “tư duy giải cứu” không còn là gánh nặng".
Ông Nguyễn Quang Vinh: Áp dụng CSI giúp doanh nghiệp hồi phục tốt hơn khi đại dịch được kiểm soát

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khi trao đổi với Thương Gia trước thềm Lễ Công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2021.

Thưa ông, còn khoảng 02 tháng nữa là sẽ đến Lễ công bố Chương trình đánh giá và công bố doanh nghiệp PTBV 2021. Ông có thể chia sẻ đôi điều về những kết quả đã đạt được tính đến thời điểm này không?

Theo kế hoạch đã được thông báo tại Lễ phát động Chương trình, các doanh nghiệp trên toàn quốc sẽ có thời gian từ ngày 18/5 đến 31/8/2021 để hoàn thiện hồ sơ tham dự chương trình. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể hoàn thiện hồ sơ một cách tốt nhất trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Ban tổ chức cũng đã gia hạn nộp hồ sơ đến ngày 15/9/2021.

Số lượng hồ sơ từ các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vừa, nhỏ gia tăng mạnh so với các năm trước, đây là điểm đặc biệt của Chương trình CSI năm nay. Sau khi hết hạn nhận hồ sơ, Ban tổ chức đã tích cực làm việc với các thành viên Ban giám khảo để chấm điểm, lọc ra các hồ sơ đủ chất lượng vào chấm chung khảo. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành tham vấn các cơ quan chức năng về việc tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo.

Dự kiến năm nay, Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2021 sẽ được tổ chức vào tối ngày 10/12/2021. 

Năm 2021 được coi là năm khó khăn với hầu hết doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương. Để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp cũng như tạo sự hấp dẫn để các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình hơn, VCCI- VBCSD đã thực hiện những hoạt động như thế nào để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, mong ông có thể chia sẻ cụ thể?

Năm 2021 là một năm đầy thách thức của tất cả các doanh nghiệp khi hầu hết các địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc tham gia chương trình CSI 2021. Nhận thức rõ điều đó, nên Bộ chỉ số CSI năm 2021 đã được VBCSD cùng các chuyên gia điều chỉnh theo hướng dễ tiếp cận hơn cho doanh nghiệp đồng thời bộ chỉ số CSI 2021 cũng được chia thành các cấp độ khác nhau nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia dễ dàng.

Về công tác truyền thông, nhằm mang thông tin đầy đủ về chương trình đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, ngay sau Lễ phát động, VBCSD-VCCI đã gửi các thông tin của chương trình đến 63 tỉnh/thành, các chi nhánh phòng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trên toàn quốc để các tỉnh, thành phố cũng như các hiệp hội doanh nghiệp có thể gửi thông tin đến các doanh nghiệp. Bên cạnh đó VBCSD-VCCI cũng kết hợp với chương trình VOV giao thông, các trang tin điện tử để quảng bá về Chương trình.

Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin và giới thiệu Chương trình, VBCSD -VCCI đã tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến về CSI 2021 để các doanh nghiệp tham gia có thể hiểu kỹ hơn về bộ chỉ số, cách áp dụng trong quản trị doanh nghiệp cũng như nắm rõ cách thức xây dựng hồ sơ và tham dự Chương trình.

Theo ông việc áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp đã có tác dụng như thế nào đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch như hiện nay cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tái phục hồi khi dịch được kiểm soát?

Bộ chỉ số CSI là một bộ công cụ hướng dẫn doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp hiệu quả, phát triển bền vững cũng như quản trị tốt nhất các rủi ro trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh, điều này đã được chứng minh trong báo cáo nghiên cứu tác động của bộ chỉ số với các doanh nghiệp được VBCSD-VCCI thực hiện và công bố đầu năm 2020. Và một lần nữa hiệu quả của áp dụng bộ chỉ số CSI lại được thực tế chứng minh trong bối cảnh đại dịch hiện nay, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị có độ bền, sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch do đã thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro trong thực tiễn kinh doanh.

Thứ hai, bộ chỉ số CSI hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phát triển kinh tế dựa trên việc quản trị các vấn đề xã hội cũng như môi trường. Chính điều này đã hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch như hiện nay quản trị tốt các vấn đề về nguồn nhân lực trong sản xuất.

Thứ ba, bộ chỉ số cũng cung cấp các giải pháp quản trị chuỗi cung ứng, giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh rất nhiều ngành nghề đang gặp khó trong vấn đề duy trì nguồn nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra.

Bên cạnh đó, chứng nhận doanh nghiệp PTBV đã tạo ra một tấm giấy thông hành cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh hiện tại. Do đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự phục hồi của các doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị sẽ tốt hơn khi đại dịch được kiểm soát. Đó cũng là cách để doanh nghiệp “tự khoẻ” khi bảo toàn được chuỗi sản xuất.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngời dân. Nhưng làn sóng dịch thứ 4 bùng phát đã tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, tôi cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch trong thời gian tới, doanh nghiệp phải chủ động, trong đó cần áp dụng các giải pháp sản xuất bền vững gắn với hiệu quả cao , áp dụng CSI vào doanh nghiệp để tư duy giải cứu không còn là gánh nặng.

Để ứng phó với những biến động khó lường trong tương lai, VCCI - VBCSD có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp trong kinh doanh cũng như trong quá trình thực hiện bộ chỉ số CSI này trong thời gian tới?

Đứng trước bối cảnh với các diễn biến khó lường như hiện tại cũng như trong tương lai, chúng tôi mong các doanh nghiệp có thể nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững doanh nghiệp, nó không phải là vấn đề xa xôi hay “phú quý sinh lễ nghĩa” mà là vấn đề sống còn. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại mới hiện nay cần có các chiến lược và hoạt động rõ ràng để phát triển các mục tiêu về kinh tế gắn liền với các mục tiêu về xã hội cũng như môi trường, chỉ có con đường duy nhất như vậy mới giúp cho doanh nghiệp vượt qua được các khó khăn trong thách thức cũng như phát triển lâu dài.

Các chuyên gia kinh tế và các tổ chức đều giới thiệu nhiều phương pháp, nhiều bộ tiêu chuẩn và công cụ khác nhau đề hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện PTBV; tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, CSI là một trong những công cụ được cập nhật phù hợp với bối cảnh và luật pháp trong nước, giao diện, ngôn ngữ gần gũi, các tiêu chí dễ áp dụng và phù hợp cho mọi loại hình doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau. Với những đặc điểm này, tôi tin rằng, khi áp dụng CSI, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.

Xem thêm

Việt Nam ban hành 158 chỉ tiêu phát triển bền vững

Việt Nam ban hành 158 chỉ tiêu phát triển bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu, phản ánh 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ t

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...