Sáng nay 15/8, tại cuộc trao đổi với chủ đề "Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo", ông Phạm Văn Tam kể lại quá trình xây dựng thương hiệu Asanzo, và những khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải trước nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt.
"Thời gian vừa qua, rất nhiều dư luận nói về tôi, nói về Asanzo. Người ta thậm chí còn nói rằng Phạm Văn Tam chỉ là người đi buôn. Nhưng tôi hỏi, đi buôn đồ điện tử thì có gì sai hay không?" ông Tam nói.
Theo ông Tam, nhờ việc đi buôn hàng điện tử mà ông có được kinh nghiệm tạo ra các sản phẩm của Asanzo hôm nay chứ không phải dựa vào bề thế gia đình.
"Các sản phẩm đầu tiên của Asanzo đều nhờ những chuyến đi buôn, nhờ những lần tôi cung cấp hàng điện tử cho các vùng miền Tây. Ở đây họ thiếu điện, chúng tôi phải tạo ra những chiếc tivi sử dụng ắc quy để phục vụ họ. Tôi luôn tâm niệm, Asanzo được thành lập để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên chứ không phải dành cho người tiêu dùng hiện đại", ông Tam khẳng định.
Ông Tam cho rằng, toàn bộ bo mạch của tivi Asanzo không hề giống với bất kỳ hãng tivi nào trên thế giới bởi công ty phải thiết kế lại để phù hợp với nguồn điện đặc thù tại từng khu vực.
Ông Phạm Văn Tam
"Trong 1 tháng ở thời điểm năm 2013, chúng tôi bán ra hơn 1.000 chiếc tivi, phục vụ cho bà con khu vực miền Tây. Thời điểm đấy, tôi chỉ nghĩ rằng thế này là đủ rồi bởi nhu cầu của bà con ở đây chỉ có thể", ông Tam kể lại.
Cũng theo ông Tam, đến giai đoạn smart tivi ra đời, Asanzo tiếp tục thiết kế lại toàn bộ giao diện của loại tivi này để cắt giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp người tiêu dùng có điều kiện kinh tế thấp vẫn có thể sử dụng được smart tivi.
"Nói chúng tôi nhập linh kiện Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt Nam thực sự là rất oan uổng. Chúng tôi có hơn 2.000 công nhân, trong đó hơn 600 người lắp ráp. Chẳng nhẽ chúng tôi trả lương cho từng đấy con người chỉ để họ bóc tem và dán nhãn?", Chủ tịch Asanzo nói.
"Theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, (bắt buộc) Asanzo phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả các hàng hoá lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau, miễn sao là sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam", ông Phạm Văn Tam giải thích thêm và khẳng định "Không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng tivi".
Thiết kế và thương hiệu sẽ xác định hàng hóa thuộc nước nào?
Tiếp sau những chia sẻ của ông Tam, ông Phạm Ngọc Hưng, tư vấn truyền thông của Asanzo phát biểu ý kiến và nêu lên quan điểm trong một số vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
Điều đầu tiên, ông Phạm Ngọc Hưng khẳng định Asanzo được quyền ghi xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm tivi Asanzo. Ông Hưng dẫn chứng quy định của Pháp Luật như sau: “Lắp ráp ở đâu thì ghi xuất xứ ở đấy, sản xuất tái chế lắp ráp cũng được gọi là sản xuất”.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, hàng Việt Nam là khái niệm chưa được định nghĩa.
“Thiết kế và thương hiệu xác định hàng hóa thuộc nước nào? Chứ không phải là khâu sản xuất”. Ông Hưng chia sẻ góc nhìn của Asanzo về hàng Việt.
"Hãy để doanh nghiệp sống để chờ kết luận, 2 tháng vừa qua, Asanzo đang trong tình trạng hấp hối. Máu Asanzo đang chảy, mỗi tháng chi phí 30 tỷ không có nguồn thu, hấp hối chờ chết. Ông Hưng cho biết.
Đáng chú ý tại phần hỏi đáp, trả lời nghi vấn về việc, phóng sự của báo Tuổi Trẻ có chi tiết "bóc tem nhãn hàng Trung Quốc, gắn tem Việt Nam", Ông Tam khẳng định: "Việc bóc tem không phải là nhân viên của Asanzo làm, và làm việc này chính là phóng viên báo Tuổi Trẻ, và đây cũng là một trong những nội dung Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ".
Ngày 25/7, Asanzo quyết định khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì cho rằng báo này thông tin không chính xác, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. TAND quận 11 đã tiếp nhận đơn khởi kiện, tiến hành xem xét nội dung đơn cùng những tài liệu, chứng cứ kèm theo. Căn cứ các quy định pháp luật, để có cơ sở giải quyết vụ án, TAND quận 11 yêu cầu Asanzo sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến vụ việc. Cụ thể, tòa án đề nghị Asanzo cho biết yêu cầu cụ thể về mức bồi thường thiệt hại. Đồng thời, Asanzo phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại nêu trên. Việc bổ sung này có thời hạn trong 30 ngày, sau đó tòa sẽ tiến hành xem xét thụ lý hay không vụ kiện này. Trước đó, báo Tuổi Trẻ có đăng tải loạt bài với nội dung Asanzo giả xuất xứ hàng điện gia dụng và mô tả quá trình sản xuất lắp ráp linh kiện đơn giản nhập về từ Trung Quốc rồi gắn xuất xứ Việt Nam... Asanzo cho biết những thông tin trên là sai sự thật. Doanh nghiệp này quyết định đưa vụ việc ra tòa, yêu cầu báo Tuổi Trẻ cải chính thông tin, công khai xin lỗi và bồi thường tổn thất. |