Ông Võ Trí Thành: "Tôi nhìn thấy khát vọng thực sự trong những doanh nhân Việt"

Với ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, điều níu giữ ông cảm thấy hào hứng khi nói về giới kinh doanh vào lúc khó khăn đang bao trùm này chính là khát vọng thực sự chân thành trong từng doanh nhân Việt.
Ông Võ Trí Thành: "Tôi nhìn thấy khát vọng thực sự trong những doanh nhân Việt"

Thưa ông, chưa bao giờ DN khó như bây giờ và cũng chưa bao giờ doanh nhân nói nhiều về thách thức, nguy cơ đến vậy. Nền kinh tế đang bước vào trạng thái bình thường mới, khi COVID-19 vẫn đang phủ mây giông toàn cầu...? 

Bình thường mới không chỉ là câu chuyện của COVID-19. Kể cả khi COVID-19 không xuất hiện, thì ở thế giới đang thay đổi rất nhiều, rất nhanh, đầy bất định, rủi ro lớn, thì thế giới cũng đã không còn như cũ. Đó là một thế giới

đang đòi hỏi tốc độ, độ linh hoạt gắn với sáng tạo. Đó là một thế giới mà khi đánh giá một cách làm, một cải cách của cả Chính phủ và DN đòi hỏi phải tính tới rất nhiều bên liên quan.

Riêng với Việt Nam, không phải bây giờ mà khoảng 5-7 năm trở lại đây, Việt Nam cần một sự chuyển mình. Có thể nói ngắn gọn, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng phù hợp với xu hướng mới của thế giới đang thay đổi với vô vàn cú sốc bất định, có cả cú sốc tích cực và cú sốc tiêu cực...

Tất cả yếu tố đó làm nên trạng thái “bình thường mới” của thế giới. COVID-19 với các chuỗi giá trị bị đứt gãy khiến chúng ta nhìn nhận trạng thái này một cách rõ ràng hơn về những yêu cầu mới của phát triển. DN thấy ngay, thấy rõ trạng thái này, ở cả khía cạnh tác động tích cực và tiêu cực. Trong thời gian qua, tôi gặp nhiều DN, hay nói chính xác họ muốn gặp tôi, trao đổi về các vấn đề vĩ mô, về câu chuyện cơ cấu lại, về quản trị DN, về nguồn nhân lực... Trong lúc đó, họ vẫn đang vật lộn với những quyết định khó khăn hàng ngày, với đơn hàng giảm, với dòng tiền thiếu hụt...

Ông Võ Trí Thành: "Tôi nhìn thấy khát vọng thực sự trong những doanh nhân Việt" ảnh 1

Cũng khá nhiều DN đã phải dừng lại hoặc tạm dừng lại...? 

Tất nhiên, COVID-19 làm số DN phải tạm rời thị trường, thậm chí phải đóng cửa, giải thể rất nhiều, nhưng nỗ lực tồn tại, vượt lên của DN, doanh nhân là không thể phủ nhận. Chưa bao giờ, tôi thấy khát vọng vươn lên của doanh nhân lại thể hiện rõ nét và chân thực, từ trong tâm đến như vậy.

Ở giai đoạn đầu, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, việc các DN, hiệp hội đồng hành với Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách trong thực thi các giải pháp chống dịch thể hiện rất rõ khát vọng phải vượt qua, phải sống của DN. Tôi thấy sự chân thành, chia sẻ thực sự trong sự đồng hành này.

Có thể doanh nhân Việt, cũng như các thế hệ người Việt đã có những trải nghiệm với khó khăn, với trạng thái tồn tại hay không, nên có khát vọng phải sống rất mạnh mẽ.

Chỉ riêng giới doanh nhân, nếu tình từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cũng đã có được 3-4 thế hệ làm kinh doanh. Họ trải nghiệm, họ va đập, thành công có, thật bại có, quan trọng là họ đã học hỏi rất nhiều điều.

Đặc biệt, họ đã trải qua những giai đoạn để thấy, không chỉ có Việt Nam với Việt Nam, mà Việt Nam đang cải cách, đang chuyển đổi, đang hội nhập với thế giới, nên khát vọng tiến lên, đi cùng với thế giới được lan tỏa một cách rất tự nhiên.

Khát vọng còn thể hiện rõ trong sự đồng thuận tương đối với đổi mới, cải cách và hội nhập, dù DN là đối tượng bị tác động, có thể là tiêu cực ở góc độ bị đặt vào thế phải cạnh tranh, phải thêm chi phí tuân thủ, tái cấu trúc..., thậm chí có thể DN Việt Nam vẫn thua cuộc... Nhưng, các DN đều ủng hộ. Ở nhiều nước, nhóm bị tác động tiêu cực bởi hội nhập thường phản đối rất dữ.

Ông Võ Trí Thành: "Tôi nhìn thấy khát vọng thực sự trong những doanh nhân Việt" ảnh 2

Ông có thể nói gì về những gương mặt doanh nhân ở trạng thái bình thường mới? So với giai đoạn trước, họ đã tiệm cận đến những đòi hỏi hay xu thế này hay chưa?

Với COVID-19, với những rủi ro, bất định, thay đổi nhanh chóng, giới kinh doanh đều hiểu phải thay đổi. Các DN đang thay đổi nhanh về cách ứng xử, về tầm nhìn. Khi tôi làm việc với họ, họ nói về tầm nhìn có thể dài hạn, nhưng chiến lược kinh doanh ngắn hơn nhiều. Các công việc bắt đầu từng ngày, từng tuần, từng tháng và cuốn chiếu, chứ không thể 3-5 năm như trước. Rõ ràng, sự thay đổi đang gắn với cách ứng xử mới, sự linh hoạt, sáng tạo và tốc độ.

Doanh nhân Việt có những trải nghiệm đã qua, đã thay đổi nhưng rõ ràng còn nhiều điều phải thay đổi, để tận dụng được thế mạnh (văn hóa, con người Việt, truyền thống Việt) nhưng phải biết vượt lên trên cả thế mạnh đó, gắn với xu thế, đòi hỏi của bình thường mới của cuộc chơi, của phương thức ra quyết định, phương thức sản xuất kinh doanh, cách thức quản trị... Tiệm cận, nhưng vẫn còn sự va đập, giằng xé giữa cái cũ và mới. DN Việt cũng cần bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, nề nếp hơn...

Vì trong kinh doanh, cạnh tranh, anh nhanh về ứng phó, nhưng tính toán phải bài bản, cách làm chuyên nghiệp. Với những yêu cầu này, tôi nghĩ các DN Việt cần phải nỗ lực hơn nữa...

Ông Võ Trí Thành: "Tôi nhìn thấy khát vọng thực sự trong những doanh nhân Việt" ảnh 3

Chưa bao giờ, tôi thấy khát vọng vươn lên của doanh nhân lại thể hiện rõ nét và chân thực từ trong tâm đến như vậy.

Ông Võ Trí Thành

Nếu chọn một vài gương mặt đại diện cho doanh nhân Việt Nam vào thời điểm này, ông sẽ nhắc đến ai?

Tôi muốn nhắc lại một vài ý đã viết trong lời tựa cho cuốn sách “Những người làm chủ số 1 Việt Nam”, xuất bản từ năm 2014 của tác giả trẻ Đàm Linh.

Trong cuốn sác này, những cái tên được nhắc đến như Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, Đặng Lê Nguyên Vũ - Người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Long I, Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, Mai Kiều Liên, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Thái Tuấn Chí, Ô Mai Hồng Liên...

Họ là những người bươn trải và tạm gọi là thành công, nhưng một mai họ có thể không còn là số 1 nữa, nhưng bài học của họ, khát vọng của họ vượt lên trên câu chuyện sản xuất kinh doanh, trên mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của họ, sự quyết liệt của họ, vai trò thủ lĩnh của học, đó là những bài học quý báu, hồi đó, cũng như bây giờ, trong một thế giới thay đổi, trong bối cảnh Việt Nam đang cần phải thay đổi.

Khát vọng thịnh vượng của Việt Nam đang trông vào những con người này, có thể tin như vậy không?

Khi nói đến thịnh vượng, vẫn còn có sự tranh cãi về khái niệm. Nhưng cách hiểu chung là bên cạnh tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần nhiều thức khác, mà giờ mọi người nói đến bền vững, đến bao trùm, đến sáng tạo, đến con người là trung tâm, nói đến không để ai bị bỏ lại phía sau...

Nhưng nội hàm này không mới, đã được nhắc đến từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đặt ra để thấy thách thức lớn trong việc thực hiện được khát vọng thịnh vượng, đứng ca ở góc độ tư duy, xây dựng chính sách, cả về thiết kế và thực thi, trong đó, bên cạnh sự đồng điệu có thể là sự đánh đổi để đạt được mục tiêu đó.

Trong kinh doanh, cạnh tranh, anh nhanh về ứng phó nhưng tón toán phải bài bản, cách làm chuyên nghiệp. Với những yêu cầu này, tôi nghĩ các doanh nhân Việt phải nỗ lực hơn nữa...

Ông Võ Trí Thành

Còn tương lai của những người sẽ thế chân các thế hệ này? Giới khởi nghiệp Việt Nam có mang lại cho ông sự hào hứng nào không?

DN Việt Nam đang có nhiều lợi thế với những đặc điểm của người Việt. Người Việt có tính linh hoạt, nhưng lúc này linh hoạt không chỉ là thích ứng mà là linh hoạt gắn với đổi mới sáng tạo. Sự gắn kết này là thách thức không nhỏ với doanh nhân Việt.

Thách thức này đang được nhìn thấy trong sự vận hành của khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Nhưng tôi thấy có hai điều đáng quý.

Một là họ sáng tạo, chất sáng tạo khác thường. Hai là tốc độ tăng trưởng, nên rủi ro lớn, nhưng họ dám chơi với rủi ro, gắn với sáng tạo, đó là đòi hỏi của những người dám dấn thân. 2-3 năm nay, giới start-up Việt lớn lên về kinh nghiệm, lớn lên về ý chí, khát vọng, lớn lên về các làm kinh doanh.

Thứ hai, không ai khác, dù có nhiề chiều cạnh, vấn đề từ lối sống, cách sống, văn hóa, hệ giá trị xã hội thay đổi, chính sách, nhưng chắc chắn doanh nhân, DN góp phần trí cốt vào thực hiện mục tiêu thịnh vượng. Vì DN, doanh nhân làm nên sự vận động, chuyển động thay đổi thế giới

Với doanh nhân, không chỉ là hoạt động san xuất kinh doanh có lợi nhuận, có hiệu quả mà lợi nhuận đó, hiệu quả đó gắn sâu sắc với trách nhiệm xã hội, với phát triển bền vững.

Vì vậy, khi nói đến DN bây giờ, bên cạnh nền tảng quản trị, công nghệ, nhân lực, tài chính thì còn nền tảng văn hóa, mà bề nổi của văn hóa kinh doanh, Doanh nhân chính là giá trị thương hiệu của DN.

Cũng phải nói thêm, nhiều DN Việt đang chuyển giao thế hệ. Trong chuyển giao, điểm mấu chốt không phải, không chỉ là chuyển giao tài sản, của cải, vốn liếng mà thế hệ đi trước đã tích lũy, dù nó rất quan trọng giúp cho sự phát triển tiếp theo của DN.

Ông Võ Trí Thành

Quan trọng nhất của sự chuyển giao, là chuyển giao giá trị, khát vọng mà thế hệ trước. Khát vọng lớn lên của DN nhỏ và vừa, khát vọng lớn hơn nữa của các tập đoàn tư nhân Việt Nam... tiếp tục lan tỏa.

Xin cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...