Đây là lần thứ 2 Petrolimex đăng ký bán số cổ phiếu quỹ này. Trước đó, giai đoạn từ 7/1 đến 1/2/2019 Petrolimex không thể bán được do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Sau khi công bố thông tin bán 12 triệu cổ phiếu quỹ lần 2, thanh khoản của cổ phiếu PLX trong thời gian gần đây bất ngờ tăng mạnh, bình quân đạt khoảng 2 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
"Thị giá cổ phiếu PLX cũng tăng khoảng 15% từ 53.900 đồng/cp lên đến 61.800 đồng/cp kể từ thời điểm công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ. Đặc biệt, khối nhà đầu tư ngoại liên tục mua ròng PLX với tổng khối lượng gần 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 220 tỷ đồng.
Trên Báo cáo tài chính công ty thể hiện, số cổ phiếu quỹ Petrolimex sở hữu trước khi bán lần này có giá trị trên 1.350 tỷ đồng, tương ứng giá vốn 10.000 đồng/cp.
Năm 2018, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần tăng 25%, đạt gần 192.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày tập đoàn này thu về gần 526 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế tập đoàn này gần 5.100 tỷ, trong đó xăng dầu vẫn góp chính với 2.720 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu mang về tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến mức trả cổ tức 25-30% bằng tiền mặt cho cổ đông năm 2018.
Petrolimex hiện là doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu lớn nhất trên thị trường Việt Nam và cũng tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu chất lượng cao, thân thiện với môi trường như dầu Diesel tiêu chuẩn Euro 5, Xăng Ron 95 tiêu chuẩn Euro 4, Xăng nhiên liệu sinh học E5 Ron92.
Hiện nay, Nhà nước (đại diện là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 75,87% vốn tại PLX, và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống 51% trong thời gian tới theo Quyết định của Thủ tướng.
Trước đó, hồi tháng 4/2017 Petrolimex đưa cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 43.200 đồng/cp. Ngay sau khi lên sàn, Petrolimex cũng đã đưa 20 triệu cổ phiếu quỹ ra bán trong tổng số 155 triệu cổ phiếu quỹ sở hữu thời điểm đó.