Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, Phú Quốc cần phát triển những tổ hợp vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực, thúc đẩy kinh tế đêm. Qua đó, công nghiệp văn hóa sẽ có những bước tiến mới, phát huy được tiềm năng sẵn có của đảo Ngọc.
NỖ LỰC ĐỂ PHÚ QUỐC TRỞ THÀNH THIÊN ĐƯỜNG NGHỈ DƯỠNG DÀI NGÀY
Sau 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ cho Phú Quốc phát triển trong thời gian qua?
Hướng phát triển Phú Quốc được định hình rất rõ ràng trong mục tiêu Phát triển Phú Quốc tại Quyết định 178 hay Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc được công bố mới đây. Quyết định 178 là một đề án chung cho Phú Quốc, nhưng trước đó ngành du lịch đã có 2 đề án phát triển du lịch Phú Quốc gồm rất nhiều chính sách hết sức đột phá.
Đầu tiên là đưa điện từ đất liền ra Phú Quốc thay vì xây 2 nhà máy nhiệt điện trên đảo. Nếu không kéo điện ra đảo thì không có Phú Quốc ngày nay. Mặt khác, việc không xây dựng nhà máy nhiệt điện đã giúp hạn chế tối đa những tác động của con người đến môi trường.
Thứ hai là chính sách mở cửa đón khách quốc tế đến Phú Quốc, miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên tới 30 ngày. Đây là chính sách đúng đắn cho tất cả những điểm đến quốc tế. Thực tế chứng minh, Phú Quốc giờ đây là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng dài ngày với tỷ lệ khách quốc tế ngày càng tăng. Để thu hút và cạnh tranh hơn nữa, tôi đề xuất chính sách “quá cảnh” cho khách quốc tế đã đến Phú Quốc có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp tục hành trình du lịch đến các điểm đến khác trên đất liền Việt Nam. Chúng ta cũng nên nới lỏng hơn nữa, táo bạo hơn nữa và đột phá hơn nữa về chính sách thị thực để tạo ra cú hích cho du lịch Việt Nam phát triển. Ví dụ kéo dài thời gian miễn thị thực không chỉ trong 30 ngày mà tăng lên 90 ngày…
Vậy còn những điểm nào Phú Quốc cần cải thiện để du lịch phát triển vươn tầm hơn nữa, thưa ông ?
Một hòn đảo du lịch lớn có tầm cỡ, đẳng cấp quốc tế đã được định hình như Phú Quốc, bây giờ muốn tiếp tục trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực và thế giới thì cần có nguồn nhân lực. Thế nên, ở đây phải xây dựng trung tâm, trường đào tạo nghề, có tiêu chuẩn quốc tế. Cần tạo điều kiện để người dân có nhiều cơ hội việc làm hơn từ du lịch trên chính mảnh đất này từ đó nâng cao đời sống và ý thức gìn giữ các giá trị tự nhiên “trời phú”, các giá trị văn hóa bản địa và lịch sử cùng các giá trị về môi trường để đảm bảo cho du lịch Phú Quốc phát triển lâu dài, bền vững.
Một vấn đề nữa là xử lý chất thải. Quyết định 178 cũng đưa ra định hướng là sẽ phải xây dựng trung tâm xử lý chất thải hiện đại. Có thể thấy, với rác thải chúng ta vẫn chỉ đang xử lý thủ công, theo hình thức chôn lấp. Còn chưa có giải pháp nào với nước thải. Chỉ có một số ít tập đoàn lớn, chủ các resort đi đầu trong việc tái sử dụng nước thải để trồng cây, cách làm này rất tốt nhưng vẫn chỉ lẻ tẻ, thiếu đồng nhất. Đối với một trung tâm du lịch tầm cỡ, đẳng cấp quốc tế, chúng ta cần phải có cơ sở xử lý hiện đại, đồng bộ thì mới có thể đảm bảo gìn giữ được môi trường sinh thái tương xứng với yêu cầu phát triển. Vậy nên trong định hướng tới đây chúng ta phải quyết tâm làm bằng được.
BIẾN GIÁ TRỊ VĂN HÓA THÀNH GIÁ TRỊ KINH TẾ
Du lịch văn hóa đang được coi là mũi nhọn trong phát triển du lịch. Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với phát huy các giá trị văn hóa tại Phú Quốc trong thời gian qua?
Tôi rất mừng khi Phú Quốc có những doanh nghiệp đi đầu mà tiêu biểu là Sun Group trong việc khai thác giá trị văn hóa, tạo ra sức hấp dẫn riêng. Họ đã tạo dấu ấn riêng trong việc biến giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế theo đúng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ.
Du lịch văn hóa là một trong 12 hợp phần của công nghiệp văn hóa. Trong thời gian tới, tôi cho rằng các giá trị văn hóa nên đan xen vào các hoạt động như nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí … để sản phẩm du lịch của chúng ta có chiều sâu, có giá trị gia tăng cao. Chưa kể, Phú Quốc cần phải phát triển những tổ hợp, phức hợp về vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực, thúc đẩy kinh tế đêm. Lồng ghép giá trị văn hóa vào sản phẩm du lịch mới tạo nên đẳng cấp cao cho sản phẩm, thu hút khách quốc tế, khách chi tiêu cao. Chỉ có làm được điều đó thì công nghiệp văn hóa của chúng ta mới có những bước tiến lớn, phát huy được tiềm năng sẵn có.
Quốc gia láng giềng Singapore đã làm được điều đó. Họ xây dựng nên những khu phức hợp về vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực với đa dạng sản phẩm dịch vụ, show diễn nghệ thuật,… giúp doanh thu du lịch của quốc đảo này tăng vọt. Phú Quốc nên đi tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa vì Phú Quốc có điều kiện.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Phú Quốc cần dựa trên những tiềm năng khác biệt cùng bản sắc độc đáo, kết hợp với tinh hoa hiện đại của thế giới, tức là quốc tế hóa bản sắc văn hóa và ngược lại cần dân tộc hóa văn hóa hiện đại của thế giới. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội để Phú Quốc tạo ra khác biệt từ sự kết hợp hài hòa này ?
Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến này của Thủ tướng Chính phủ đứng từ góc độ người nghiên cứu. Những giá trị văn hóa được tạo ra từ kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn cả khách du lịch quốc tế và cả khách du lịch nội địa.
Không sao chép những show diễn văn hóa quốc tế bởi điều đó sẽ không hấp dẫn khách quốc tế mà cần tạo ra sự khác biệt khi chúng ta biết lồng ghép những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Tương tự, nếu chúng biết cách “thổi” những giá trị văn hóa đương đại vào trong các show diễn nghệ thuật truyền thống thì chúng ta sẽ có được những sản phẩm văn hóa luôn mang đậm “chất” Việt Nam song được làm mới để phù hợp hơn với “gu” của thế hệ trẻ. Đây là cách thức mà du lịch văn hóa cần tiếp cận để có được những sản phẩm du lịch văn hóa khác biệt mang đậm bản sắc truyền thống Việt song lại có được “phong thái” mới từ những giá trị văn hóa hiện đại.
CẦN ĐẨY NHANH CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của các nhà đầu tư trong việc thúc đẩy cho Phú Quốc phát triển thời gian qua?
Phú Quốc hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư nhưng phải có nhà đầu tư tiên phong như Sun Group, Vingroup,… thì mới có cơ hội thay đổi cách nhìn, cách làm ăn, cách tư duy để nơi đây thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch Phú Quốc đúng tầm bởi các nhà đầu tư tầm cỡ, có tầm nhìn sẽ đem lại nhiều lợi ích, trước hết là nâng cao đời sống của cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước
Theo ông để Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng sang trọng thu hút khách trong và ngoài nước theo mục tiêu đề ra, thì tới đây cần quan tâm đến những chính sách đặc thù nào?
Như tôi đã nói, chính sách đặc thù không phải bây giờ mới được quan tâm mà đã có từ giai đoạn ban hành Quyết định 178 từ 20 năm trước. Vừa rồi, quy hoạch chung thành phố tầm nhìn tới năm 2040 cũng đã được thông qua. Để Phú Quốc phát triển xứng tầm, rất cần những chính sách đặc thù. Đơn cử như chính sách thu hút nhân tài. Chính sách để làm sao đảm bảo cho môi trường Phú Quốc được giữ gìn và hạn chế ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Cùng với cơ chế chính sách phù hợp, Phú Quốc cũng cần sự đầu tư đúng trọng tâm trọng điểm của nhà nước chứ không chỉ trông chờ vào đầu tư từ xã hội hóa, nguồn lực tư nhân. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 – NQ/TW đưa ra, việc đầu tư tạo lực đẩy cho kinh tế đảo Ngọc cần phải được ưu tiên. Các chính sách cũng cần được đẩy nhanh. Tại sao 20 năm trước, chúng ta có chính sách cởi mở về visa, mà bây giờ chưa thể áp dụng cho các lĩnh vực, quy định khác để cởi trói ràng buộc trong tư duy và trong cách làm. Có như vậy mới thực sự biến giá trị của Phú Quốc trở thành những tiềm lực cho sự phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn Ông!