Thị trường bán dẫn Việt Nam được kỳ vọng đạt 7 tỷ USD vào năm 2028

Việt Nam được đánh giá là ngôi sao mới nổi của ngành bán dẫn toàn cầu nhờ vào chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ trong phát triển hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050…

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo chuyên gia SEMI, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. SEMI dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.

Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.

Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, tạo đà vững chắc cho Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ.

Tại sự kiện, ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries nhấn mạnh đến hệ sinh thái ngành bán dẫn là thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo và cung cấp dịch vụ lắp ráp thử nghiệm; cho rằng, xét từ góc nhìn ngành công nghiệp bán dẫn thì Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như cường quốc bán dẫn trong khu vực, đạt tốc tăng trưởng kép rất ấn tượng.

Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng to lớn để đóng góp vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu; trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam có vị trí chiến lược; có lợi thế về dân số trẻ, tiếp cận công nghệ nhanh; có chi phí lao động có tính cạnh tranh tốt; thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn giúp Việt Nam khẳng định được vị thế của mình, là quốc gia ngày càng có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn khu vực và toàn cầu.

Theo ông KC Ang, qua việc tổ chức Triển lãm cho thấy nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, từ đây có thể thấy được những cải cách, chuyển đổi để biến Việt Nam trở thành hình mẫu, là nơi có bối cảnh tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2024 - 2030): tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040): trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050): trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Việt Nam cũng đang là một khách hàng, đối tác lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng. Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Xem thêm

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Có thể bạn quan tâm