Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, những nội dung liên quan đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia được truyền thông đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế. Đáng chú ý là việc quản lý của cơ quan với các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn Temu, Shein.
Ngành công thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian triển khai đăng ký, phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký.
Khi chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế. "Các sàn Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và trong tháng 11/2024, hai sàn này sẽ đăng ký hoạt động tại Việt Nam", ông Long nói.
Cùng với đó, lãnh đạo ngành công thương cũng khẳng định, sau thông báo, nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép", ông Long nhấn mạnh
Bên cạnh sự nở rộ hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ rà soát các quy định có liên quan, kiến nghị Chính phủ về các khuôn khổ quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang được sự quan tâm của dư luận.
Cũng về nội dung này, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định Nghị định số 52 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021.
Ông Sơn cho biết, đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về các khoản thu nội địa, trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử như Temu, Shein Amazon… có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
"Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, qua đó đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế", ông Sơn thông tin thêm
Về Temu, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngày 4/9, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu vận hành sàn Temu tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế là 9000001289.
Theo đó, ngày 30/10/2024 Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã kê khai nộp tờ khai thuế quý 3/2024, trong đó kê khai doanh thu bằng 0 và giải trình doanh thu phát sinh từ tháng 10/2024 sẽ kê khai toàn bộ tại tờ khai quý 4/2024.
"Tổng cục Thuế đang giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu kỳ quý 4/2024 (hạn 30/1/2025) đảm bảo thu ngân sách Nhà nước đúng, thu đủ theo quy định pháp luật", ông Sơn nói.
Mới đây, EU yêu cầu Temu tuân thủ luật bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, sau một cuộc điều tra trên toàn châu Âu, ngày 8/11, Mạng lưới Hợp tác bảo vệ người tiêu dùng (CPC) của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thông báo chính thức đến Temu
CPC yêu cầu Temu phải điều chỉnh các hoạt động của mình để tuân thủ luật pháp EU. Hiện Temu vẫn đang trong diện bị điều tra và được yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ngoài ra, Temu cũng bị cáo buộc sử dụng các đánh giá giả mạo nhằm tăng độ tin cậy, đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Nếu Temu không hợp tác, các cơ quan chức năng tại châu Âu có thể áp dụng các biện pháp chế tài, bao gồm phạt tiền dựa trên doanh thu của Temu tại các quốc gia thành viên liên quan. Việc điều tra và cảnh báo nghiêm khắc đối với Temu là minh chứng rõ ràng cho thấy EU đang siết chặt quản lý các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng châu Âu.