Tại hội thảo “Mở những nút thắt để kinh tế VN phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Đào tạo, tư vấn phát triển kinh tế tổ chức chiều 28.1, các đại biểu đã lấy ví dụ về màn trình diễn tuyệt vời của U.23 VN để minh họa cho nút thắt cần tháo gỡ nhất của nền kinh tế, chính là vấn đề thể chế.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhắc một sự thật: Lứa cầu thủ U.23 hiện nay đều là sản phẩm của các trường đào tạo do các DN tư nhân, tỉ phú tổ chức. “Không có các trường học bóng đá đó, không có ngày hôm nay. Thành công của các doanh nghiệp (DN) tư nhân phải có trước. Chúng ta phải có DN lớn mới có được đội bóng có tầm thế giới, còn chỉ có các HTX nghèo nàn thì chúng ta không vượt tầm Đông Dương được đâu”, ông Dũng phân tích và ví von: “Không khéo ngồi đây là những “cầu thủ” quan trọng hơn”, vì họ sẽ đóng góp cho việc gỡ nút thắt thể chế, cải cách hành chính để không cản trở đội ngũ DN thành công. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh cần được cắt giảm quyết liệt để cơ quan nhà nước không tạo ra cản trở và bộ máy công quyền không thể nhảy vào can thiệp.
TS Đặng Kim Sơn cho rằng hiện người kêu nhiều nhất không phải doanh nhân, nông dân mà chính là các lãnh đạo cấp cao. Đó là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”. Bộ máy bất lực vì những nút thắt ở cấp dưới. Trong khi đó, công cuộc chống tham nhũng tuy rất thành công, nhưng mới tập trung vào việc làm cho những người tham nhũng sợ không dám tham nhũng, chưa làm cho họ không thể tham nhũng, làm họ không muốn tham nhũng nữa. Theo TS Sơn, bộ máy cần tạo ra động lực để cán bộ nhà nước nào giúp đỡ người dân, DN thì được thăng cấp, tăng lương, có quyền lực. Đó mới là động lực đích thực của cải cách bộ máy.
Theo Thanhnien