Tại buổi Tọa đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, cuối tháng 9/2017, bộ đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) của 27 ngành nghề, lĩnh vực.
Đây là ý nguyện và quyết tâm rất lớn của Bộ Công thương trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, muốn thực hiện được việc cắt giảm này phải tuân theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.
Theo đó, các điều kiện kinh doanh này đều liên quan đến các nghị định và động chạm đến 16 ngành nghề. Do đó, để cắt giảm, ít nhất bộ phải sửa đổi 16 nghị định.
Đây là việc làm rất lâu và mất thời gian, có thể lên đến hàng năm trời, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Chính vì vậy, vừa qua Bộ Công thương đã có đề xuất sử dụng một nghị định để sửa đổi cùng lúc nhiều nghị định, nhằm cho phép ban hành các quy chế mới theo hình thức rút gọn. Nếu thực hiện được việc nay, sẽ rút ngắn thời gian rất lớn trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay.
Cũng theo ông Khánh, về vấn đề này, ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương, cho phép đưa vào chương trình công tác của Chính phủ và cho phép ban hành nghị định mới. Hiện Bộ Công thương đã gửi văn bản này đến Bộ Tư pháp để thẩm định.
Theo dự kiến, Bộ sẽ cố gắng trình Chính phủ dự thảo nghị định mới này trước ngày 30/11, ngay sau khi nhận được ý kiến từ Bộ tư pháp và các cơ quan liên quan.
"Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ, Bộ Công thương đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây sẽ là tư duy xuyên suốt của bộ trong nhiệm kỳ này và sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Khánh khẳng định.
Trước đó, Chính phủ đã có nghị quyết giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo Thelaeader