Vân Đồn được quy hoạch phát triển thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế
Tại buổi họp tổ sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số vấn đề cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng khi phát triển 3 đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong đó, đưa ra các quy định cơ chế riêng về thời hạn sử dụng đất ở đặc khu kinh tế, chính sách ưu đãi thuế đặc biệt cho các dự án đầu tư, dịch vụ kinh doanh casino, vui chơi có thưởng…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng, Việt Nam đang bắt đầu chú trọng phát triển 3 đặc khu kinh tế tại các địa phương trọng điểm trải dài từ Bắc vào Nam (Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang). Trên thế giới, người ta đã chứng mình tỷ lệ thành công của các đặc khu không cao, phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý rất lớn, vào xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích… dẫn tới sẽ làm méo mó đi chủ trương phát triển đặc khu kinh tế ban đầu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
"Việc thành lập 3 đặc khu kinh tế hiện nay là một sự đặt cược lớn. Chúng ta đưa ra chủ trương là không sai, cũng như vấn đề chúng ta chủ trương phát triển nhiệt điện, cao tốc Bắc - Nam không sai . Nhưng khả năng thực hiện, quản lý và làm cho dự án đó thành công hay không?", ông Nghĩa trăn trở về việc phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong.
"Bởi thành công đặc khu kinh tế còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý, vào xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích nên nó làm méo mó đi chủ trương ban đầu của chúng ta. Ba đặc khu này là rất lớn và nó liên quan tới cả trăm ngàn dân ở các vùng miền, liên quan đến rừng vàng, biển bạc của chúng ta, đến các di sản thiên nhiên của chúng ta, chúng ta đã tính hết chưa. Tôi xin thưa là đã có những quốc gia đã phải trả giá cho việc này, có những nước không trả được nợ", đại biểu Nghĩa cảnh báo.
Còn theo Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, sau nhiều lần thảo luận, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã hoàn thành căn bản, các ý kiến đại biểu băn khoăn đã được tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Hiện, các chính sách ưu đãi cho 3 đặc khu kinh tế đã được điều chỉnh có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược, những nhà đầu tư bỏ vốn lớn để hấp dẫn đầu tư và chính sách ưu tiên cho những lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam đã cần thu hút.
Một vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận là quyền hạn của người đứng đầu đặc khu kinh tế và quản lý, điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Theo ông Phương, các đặc khu kinh tế sẽ có phân sự quyền, có quyền thuộc Thủ tướng, có quyền thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, giờ sẽ phân cho Chủ tịch đặc khu kinh tế gắn liền với ràng buộc trách nhiệm. “Bởi khi giao quá nhiều quyền cho Chủ tịch đặc khu sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền. Điều này không đáng ngại mà quan trọng là cơ chế vận hành, cơ chế minh khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây chính là mấu chốt tránh việc lạm quyền, tham nhũng" - ông Phương nhấn mạnh.
Có ý kiến đồng tình giao quyền chủ động điều hành cho người đứng đầu đặc khu để họ có thể triển khai một cách nhanh nhất và chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình. Mặt trận Tổ Quốc, HĐND và Quốc hội phải giám sát những quyền hạn đó trên nguyên tắc công khai, minh bạch.