Phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu hướng dẫn cụ thể

Điện thoại, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may... là những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu hướng dẫn cụ thể

Theo TS. Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên nhân chính là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam chưa phát triển.

Ông bình luận ra sao về ngành CNHT của nước ta hiện nay?

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may... hàng năm đem về cả trăm tỷ USD, nhưng thực ra, giá trị gia tăng các sản phẩm này sản xuất tại Việt Nam rất thấp do CNHT chưa phát triển. Điều đáng nói là, Chính phủ đã có mục tiêu, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển CNHT từ nhiều năm trước, nhưng đến bây giờ, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các sản phẩm xuất khẩu kể trên không nhiều, chủ yếu là vào khâu gia công, lắp ráp, cung cấp bao bì đóng gói sản phẩm và các chi tiết, phụ tùng, phụ kiện, nguyên liệu rất phụ, với tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu rất thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là cơ chế, chính sách, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Vấn đề này đã được xử lý bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật rồi, thưa ông?

Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, quy định các chính sách hỗ trợ trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường. Nghị định này cũng đã công bố chi tiết 6 nhóm ngành CNHT được ưu tiên phát triển gồm dệt may; da giày; điện tử; sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo và công nghệ cao. Nhưng phải đến năm 2017, Bộ Công thương mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 và Quy chế Quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT.

Chính phủ rất tham vọng trong phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với những mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, như đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa và phải đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa vào năm 2025.

Cụ thể hơn, Chính phủ chỉ đạo phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng kim loại, linh kiện, phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện, phụ tùng điện - điện tử đáp ứng 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển vào năm 2020; phát triển sản xuất nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày để đến năm 2020, ngành công nghiệp dệt - may sử dụng 65% sản phẩm trong nước và ngành da - giày sử dụng 75 - 80% sản phẩm trong nước.

Đối với lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ yêu cầu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao.

Mục tiêu, nội dung, trách nhiệm phát triển CNHT đã được quy định rất rõ ràng, nhưng đáng tiếc đến tận bây giờ, các bộ, ngành vẫn chưa ban hành đầy đủ hướng dẫn thi hành, thậm chí hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình Phát triển CNHT hiện nay vẫn trong tình trạng dự thảo, cho dù hướng dẫn này không có gì phức tạp. Do thiếu hướng dẫn cụ thể, đồng bộ, nên mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CNHT vẫn nằm trên giấy.

Theo ông, muốn phát triển CNHT, ngoài việc sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn, cần thêm những điều kiện gì?

Hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước, cả ngân sách trung ương lẫn ngân sách địa phương cho Chương trình Phát triển CNHT là yếu tố vô cùng quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 phải hỗ trợ tối thiểu bao nhiêu tiền để hình thành nên hệ thống doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ bao nhiêu tiền cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Cần bao nhiêu tiền để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu cần bao nhiêu tiền…

Bên cạnh đó, cần phải có chính sách hỗ trợ về đất đai như Nhà nước hỗ trợ cho thuê đất, được hưởng các ưu đãi sử dụng đất; thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay từ các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển đã được công bố cụ thể tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạnh mẽ vào CNHT trên cơ sở sớm cụ thể hóa các quy định, nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này phát triển, vì muốn cung cấp được chi tiết, phụ tùng, phụ kiện cho doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì doanh nghiệp trong nước phải đạt đến trình độ nhất định, phải sản xuất ra sản phẩm đủ chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm đủ sản lượng và thời gian giao hàng.

Doanh nghiệp nội địa muốn “đạt được trình độ nhất định” như ông nói không phải là đơn giản?

Đúng vậy. Vì thế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ kể trên, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành CNHT, tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên cũng cần phải có ràng buộc trong vòng bao nhiêu năm phải dần chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Tất nhiên, không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính mà trên cơ sở có đi có lại, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp thế này, tỷ lệ nội địa hóa từng này, thì được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...