Nâng cấp nhiều sân bay bằng nguồn vốn xã hội hoá
Báo cáo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải 2016-2025 những thuận lợi và khó khăn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, hiện, bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.
Theo đó, về đường bộ, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục hoàn thành các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc.
Đối với ngành đường sắt, sẽ tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc -Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h.
Trong lĩnh vực hàng không, tập trung nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành đúng mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo Phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết một trong những vấn đề mà Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đang quan tâm là vốn cấp bách cho các dự án giao thông.
Theo Bộ trưởng, hàng không đang trong giai đoạn phát triển quá nóng, hạ tầng chưa phát triển kịp, do vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp cấp bách nâng năng lực sân bay Tân Sơn Nhất.
“Các sân bay khác như Chu Lai, Cát Bi, Phú Bài…gian tới cũng sẽ kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá chứ không dùng đến ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Nghĩa nói và cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang hoàn thiện để có thể báo cáo Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao tại Kỳ họp thứ 2/2018.
Vốn Ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 31%
Ghi nhận đóng góp của ngành giao thông vận tải trong thời gian qua, tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ sự lo lắng về việc bố trí nguồn lực cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, chiến lược phát triển giao thông vận tải trong thời gian tới đã rõ nhưng bố trí nguồn lực để thực hiện chiến lược còn xa vời.
Bộ Giao thông Vận tải đã xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số thông báo dự kiến, kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải mới được bố trí 209,1 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số vốn Ngân sách Nhà nước được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn Ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn Trái phiếu Chính phủ) để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã đặt ra.
Ông Hiển nhấn mạnh: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, quan trọng là phải tính được phân kỳ đầu tư như thế nào, cách thức huy động như thế nào, phải tính lại nguồn lực, sao cho ngân sách chỉ là vốn mồi…”.
Về các công trình trọng điểm, ông Hiển nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam để đảm bảo mục tiêu quan trọng là có trên 2000 km đường cao tốc.
Ông cũng ủng hộ quan điểm đầu tư cho đường sắt để đảm bảo đồng tốc, đồng tải, nhanh chóng nghiên cứu trình quốc hội Báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao, đẩy mạnh việc triển khai các phần việc phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Theo Vneconomy.vn