Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 và Báo cáo nghiên cứu tiền khải thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND TP. Hà Nội hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của hai dự án, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Về dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, trước đó TP. Hà Nội cho biết nhà đầu tư là Tập đoàn Him Lam xin dừng đầu tư cầu Vĩnh Tuy theo hình thức BT. Sau đó, TP đã xin chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Nếu chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, dự kiến Hà Nội sẽ phải bố trí khoảng 300 tỉ đồng cho dự án này trong năm 2020. Các năm tiếp theo, nguồn vốn sẽ được bố trí từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 (nếu có), và chuyển từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện sang, cũng như huy động thêm nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô….
Nguồn đất dự kiến thanh toán cho dự án này sẽ được bố trí cho dự án khác, hoặc đấu giá để thu ngân sách cho thành phố.
Trước đó, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2011. Tuy nhiên, đến năm 2017 công trình được chuyển sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Công ty CP Him Lam đầu tư.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây một cây cầu có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2m, dự kiến triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022. Trong giai đoạn 2 này, cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng rộng tương tự giai đoạn 1, mặt cắt ngang 19,25 m với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504 m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12/2022.
Liên quan đến dự án đường kết nối Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai ba, trước đó UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đoạn tuyến đường 70 kéo dài từ QL1 đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (trường hợp cần thiết sẽ bao gồm cả nút giao khác mức và đoạn tuyến nhánh nối lên đường vành đai 3) vào dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để đầu tư bằng nguồn vốn của dự án này, đảm bảo phân luồng cho vị trí đầu tuyến giao cắt với vành đai 3.
Cùng đó, Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nghiên cứu bổ sung trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, vị trí dự kiến tại Km 185 để các phương tiện có thể dừng nghỉ nếu lưu lượng tại đầu tuyến quá đông, có thể giãn lưu lượng và giảm bức xúc của người dân; mở rộng mặt cắt lòng đường đoạn tuyến từ trạm thu phí đến nút giao đường vành đai 3; cải tạo nút giao với đường vành đai 3.
>>Hà Nội chuyển từ hình thức BT sang đầu tư công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2