Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 7006/VPCP-CN ngày 18/10/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức đối tác công tư:
UBND tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu.
Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, UBND tỉnh Lai Châu thống nhất với Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức đối tác công tư theo đúng quy định.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cảng hàng không Lai Châu được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 0,5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 1,5 triệu hành khách/năm.
Thời gian qua, Thủ tướng đã giao một số UBND các tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không theo phương thức PPP như: UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng; UBND tỉnh Lào Cai thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa; UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, trên cơ sở nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, tháng 12/2021, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”.
Trong đó, Cảng Hàng không Lai Châu thuộc nhóm các cảng hàng không xây dựng mới (bao gồm các Cảng Hàng không Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu), được đề xuất giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo hình thức PPP.
Như vậy, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mới Cảng Hàng không Lai Châu theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là Dự án động lực quan trọng của tỉnh Lai Châu cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện Dự án; tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP) và giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án.