Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ việc chứng khoán biến động mạnh

Ông Vương Đình Huệ đề nghị kiểm soát đầy đủ các yếu tố chi phối, trong đó kể cả việc có giao dịch nội gián trên thị trường.
Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ việc chứng khoán biến động mạnh

Tại buổi họp nghe báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 và giai đoạn 2019-2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường chứng khoán gần đây diễn biến không ổn định, mật độ tăng giảm dày. Định giá không còn rẻ so với các nước trong khu vực khiến thị trường tăng trưởng đang chậm lại và phải đối diện với rủi ro đảo chiều dòng vốn nước ngoài.

Bên cạnh các nguyên nhân thị trường, Phó thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát và đánh giá đầy đủ các yếu tố chi phối khác, kể cả giao dịch nội gián.

Chốt phiên giao dịch cuối tháng 3, VN-Index tăng hơn 19% so với đầu năm để tiếp tục giữ ngôi đầu thị trường chứng khoán có mức tăng tốt nhất thế giới. Vài ngày sau đó, chỉ số này vượt đỉnh lịch sử 11 năm khi qua ngưỡng 1.200 điểm.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng bao trùm và trở thành xu hướng giao dịch chủ đạo khiến thị trường liên tiếp lao dốc trong các phiên tiếp theo. Đà giảm kéo dài một tháng với nhiều phiên VN-Index mất vài chục điểm khiến chứng khoán Việt Nam tụt xuống vị trí thứ hai trong danh sách những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong vòng nửa năm.

Tính đến hết phiên giao dịch chiều qua, Vn-Index đã giảm gần 170 điểm so với đỉnh gần nhất.

Về tình hình vĩ mô năm nay, Phó thủ tướng đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế có nhiều khởi sắc và tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của thế giới trong hai năm nữa, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Quản lý nợ công tiếp tục chuyển biến tích cực qua từng năm, cụ thể 2018 sẽ khoảng 61,7% GDP.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá trong trung hạn kinh tế Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,5%, trong khi đó Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính có thể duy trì trên 6,7%.

Tuy nhiên, các bộ ngành đều chỉ ra một số thách thức nội tại nền kinh tế đang đối mặt như dựa nhiều vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiệu quả và năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa đột phá, trình độ công nghệ thấp, tài nguyên suy giảm…

Bên cạnh đó, lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và biến động khó lường của giá dầu thế giới cũng gây áp lực đến điều hành lạm phát và giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu khi giảm thuế theo cam kết quốc tế.

Do đó, Phó thủ tướng đề nghị mỗi bộ ngành triển khai xây dựng các báo cáo đánh giá rủi ro và thách thức theo từng lĩnh vực. Thậm chí, phải tính toán tới các vấn đề an ninh, truyền thông sẽ tác động ra sao tới vĩ mô, dự báo tình hình thế giới tác động tới Việt Nam liệu có tạo động lực sản xuất mới hay khoét sâu thêm yếu kém trong ngắn, trung và dài hạn.

"Kinh tế vĩ mô trong nước được dự báo có nhiều khả quan nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 1 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2018", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...